Giám đốc Nhà hát kịch TPHCM, nghệ sĩ Khánh Hoàng

Sẽ có nhiều phong cách trên cùng một sân khấu

Sẽ có nhiều phong cách trên cùng một sân khấu

Sau gần một năm về giữ chức Giám đốc Nhà hát kịch TPHCM và vừa tham gia Liên hoan những nhà soạn kịch trẻ tuổi trên thế giới tại Australia trở về, nghệ sĩ Khánh Hoàng đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo SGGP…

Sẽ có nhiều phong cách trên cùng một sân khấu ảnh 1

Nghệ sĩ Khánh Hoàng trước Opera House ở Australia.

- Anh có thể kể đôi nét về chuyến đi Australia vừa qua và từ chuyến đi này anh đã rút ra được những kinh nghiệm quý báu nào có thể áp dụng vào tình hình thực tiễn của nhà hát hiện nay?

- Liên hoan lần này được tổ chức tại thành phố Townsville, Australia và kéo dài trong vòng hai tuần, với các nội dung bao gồm nghệ thuật kịch chuyên sâu, phát triển kịch bản, các hội thảo, diễn đàn và trao đổi văn hóa nghệ thuật. Những ngày ở Australia, chúng tôi đã tham quan Trường Kịch nghệ Nida, một trong những trường nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới, nơi đã sản sinh ra những nghệ sĩ nổi tiếng như Mel Gibson.

Từ đó, để áp dụng vào tình hình thực tiễn của nhà hát hiện nay, tôi nghĩ trước hết là phải chấn chỉnh lại lề lối làm việc (đúng giờ và đúng quy cách…) vì ta đang còn bị bệnh lề mề quá nặng. Sẽ áp dụng trở lại những quy trình thực hiện tác phẩm như đọc kịch bản, thoại kịch bản trên bàn, thực hiện maquette trang trí bằng mô hình, tổ chức hậu đài, tổ chức sân khấu… Tuy đây là những điều đã được học từ ghế nhà trường nhưng đều bị sự vô tình hoặc cố ý… bỏ mất!

- Trong tình hình sân khấu hiện nay đang thưa dần khán giả, các sân khấu phải luôn làm mới mình qua các vở diễn để giữ chân khán giả, còn Nhà hát kịch TPHCM?

- Sân khấu tự làm mới mình không có nghĩa là đi vào những vở diễn chiều theo thị hiếu của người xem mà cần kiên định trong định hướng, giáo dục thẩm mỹ cho người xem. Phải chăng đã đến lúc mỗi nhà hát hãy tự đặt ra cho mình phong cách riêng và xác định hình thức nghệ thuật cho từng đối tượng phục vụ? Vừa qua, khi xem ở Nhà hát con sò (Opera House) của Australia chúng tôi cũng đã thấy rõ điều này, trong cùng nhà hát có đến 4 sân khấu dành cho nhiều phong cách khác nhau.

- Còn vở diễn thể nghiệm “Huyền thoại cuộc sống” được đầu tư khoảng 150 triệu đồng sau khi ra mắt khán giả được 3 suất hát ở Nhà hát TPHCM, đến nay doanh thu ra sao?

- “Huyền thoại cuộc sống” như đã xác định từ đầu là nhắm vào đối tượng khán giả mang tầm quốc tế nên không thể so sánh với các vở “bình thường”. Nhân chuyến đi Australia vừa qua, chúng tôi đã tranh thủ tìm hiểu thị hiếu đối với vở diễn thì hoàn toàn an tâm và hứa hẹn. Chúng tôi đã giới thiệu một đoạn vở “Huyền thoại cuộc sống” qua đĩa DVD với hình thức xử lý kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và kỹ thuật hiện đại đã chinh phục được cảm tình của mọi người.

Điều này mở ra hướng phát triển đối với vở diễn là có khả năng để biểu diễn giới thiệu ở nước ngoài vì ngoài yếu tố nghệ thuật, trong vở còn đảm bảo việc tiếp thu của người xem thông qua kỹ thuật chiếu phụ đề và vẫn giữ nguyên giá trị nghệ thuật mang tính dân tộc. Sau khi xem “Huyền thoại cuộc sống”, các đoàn bạn đã lưu lại rất lâu, cùng trò chuyện với chúng tôi đến tận 1 giờ sáng.

- Có ý kiến cho rằng, “đại bản doanh của nhà hát” là rạp Công Nhân được sáng đèn hàng tuần chủ yếu nhờ vào các hài kịch ngắn. Nhà hát có sự chuẩn bị thế nào để thích nghi và “kéo” khán giả đến với nhà hát ngày càng đông hơn?

- Thoát khỏi sự ù lì hàng chục năm, nhà hát một mặt phải kiên định và không được phép quên những giá trị truyền thống của mình bằng những tác phẩm đỉnh cao và có giá trị… nhưng một mặt cũng không ảo tưởng để rồi đánh mất khán giả khi đại đa số khán giả còn quen với kịch thị trường và dễ hiểu. Chính vì thế, hiện nay nhà hát đang duy trì những vở ngắn để vừa biểu diễn doanh thu vừa đi phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa. Việc “kéo” khán giả còn nằm trong nhiều dự án và kế hoạch lâu dài của nhà hát như mở nhiều đoàn hát theo nhiều phong cách nghệ thuật, mở rộng cửa mời các nghệ sĩ về cộng tác biểu diễn để thu hút khán giả đến với mình.

VÂN AN

Tin cùng chuyên mục