Trận động đất ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) và những dư chấn liên tục kéo dài của nó đã làm cho hàng chục ngàn người chết, bị thương và vùi lấp dưới đống đổ nát. Tại sao những dư chấn lại kéo dài như vậy? Ở Việt Nam có thể xảy ra động đất hay không và nếu xảy ra thì làm thế nào? PV Báo SGGP đã phỏng vấn GS-TS Bùi Công Quế - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu - về những vấn đề nêu trên.
- PV: Thưa ông, tại sao những dư chấn của trận động đất ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) lại kéo dài như vậy?
- GS-TS BÙI CÔNG QUẾ: Tính đến nay, đã có 25 đợt dư chấn sau vụ động đất xảy ra từ trưa 12-5 vừa qua tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Sở dĩ có tình trạng kéo dài như vậy là do dư chấn động đất có diễn biến rất khác nhau. Động đất cũng như dư chấn thực ra là quá trình giải phóng năng lượng tích tụ ở trong lòng đất. Nhưng quá trình giải phóng lại phụ thuộc vào cấu trúc của lòng đất ở khu vực xảy ra động đất. Thông thường thì chỉ một lần động đất là giải phóng hết năng lượng tích tụ.
Nhưng do cấu trúc lòng đất ở nơi xảy ra dư chấn phức tạp, giải phóng năng lượng ở khu vực này nhưng lại xảy ra hiện tượng tích tụ ở khu vực khác, thì phải trải qua nhiều lần mới giải phóng hết năng lượng tích tụ. Do đó dư chấn xảy ra nhiều lần. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là những đợt dư chấn sau sẽ không thể mạnh bằng dư chấn trước và có cường độ nhỏ dần, không gây nguy hiểm như động đất.
- Trước những hậu quả do động đất và dư chấn ở tỉnh Tứ Xuyên, nhiều người Việt Nam không khỏi lo lắng khi nghĩ về chuyện ở Việt Nam cũng có thể có những trận động đất tượng tự xảy ra…
- Hiện nay Viện Vật lý địa cầu đã vẽ được bản đồ phân vùng động đất ở nước ta, trong đó chỉ ra từng vùng cụ thể có thể xảy ra động đất.
Thực tế, cho đến nay các nhà khoa học cả trên thế giới vẫn chưa thể dự báo chính xác được thời điểm sẽ xảy ra động đất do quá trình nghiên cứu về cấu trúc trong lòng đất gặp nhiều khó khăn, mà chỉ có thể thông qua cấu trúc của vỏ quả đất và chu kỳ để xác định vùng này có nguy cơ cao về động đất, cường độ động đất mạnh hay yếu… Bởi vậy, việc phân vùng của viện cũng chỉ có tính dự báo xa, để giúp người dân phòng bị, chuẩn bị tâm lý hoặc đảm bảo những yếu tố, điều kiện cần thiết khi xây dựng, bố trí các công trình dân sinh…
Hiện nay, Bộ Xây dựng cũng đã dựa vào những tư liệu trong bản đồ phân vùng động đất của Viện Vật lý địa cầu để đưa vào thành các nội dung quy định trong Luật Xây dựng. Trong đó có nội dung quy định là khi thiết kế dự án, chủ đầu tư phải tăng thêm từ 7%-10% kinh phí để đầu tư cho các chi tiết, hạng mục chống động đất, kháng chấn khi xây dựng các công trình quan trọng như đập thủy điện, tòa cao ốc, cầu đường... nhằm đảm bảo an toàn cho công trình cũng như tính mạng, trạng thái tâm lý và sức khỏe của người dân.
- Theo bản đồ phân vùng động đất mà Viện Vật lý địa cầu đưa ra thì những vùng nào có nguy cơ xảy ra động đất cao và cấp độ như thế nào?
- Vùng có nguy cơ cao, cấp độ mạnh là Tây Bắc gồm các tỉnh như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai. Phía Đông-Bắc gồm các tỉnh như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng có nguy cơ đứng thứ hai. Tiếp theo là Hà Nội, Hòa Bình. Phía Nam thì có các tỉnh nằm ở kinh tuyến 109, vĩ tuyến khoảng 8, 9, 10... Trong đó, ở khu vực Tây Bắc có thể có động đất ở cấp độ 7-8. Ở miền Nam mức độ nguy hiểm ít hơn miền Bắc. Ở ngoài biển, nếu động đất cấp 7-8 xảy ra thì có thể có sóng thần. Tuy nhiên, khả năng này ít xảy ra ở Việt Nam.
Bởi vì ở Việt Nam chưa có trận động đất nào trên 7 độ richter. Trước khi xảy ra trận động đất ở Tứ Xuyên (Trung Quốc), Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu đã ghi nhận được ở khu vực vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) cũng đã xảy ra một trận động đất, nhưng cường độ chỉ có 3,1 độ richter.
- Thưa ông, có một thực trạng là hiện nay hệ thống trạm đo và dự báo động đất ở nước ta vừa yếu lại phân bố không đồng đều?
- Hiện nay, hoạt động thông báo, cảnh báo động đất chủ yếu do Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thực hiện thông qua việc tập hợp các tín hiệu gửi về từ 24 trạm. Cơ chế hoạt động là nếu cấp độ động đất từ 3,5 độ richter trở lên thì sẽ phát ra thông báo, từ 7 độ richter trở lên thì sẽ cảnh báo sóng thần. Tuy nhiên, chúng tôi đang gặp khó khăn là chất lượng truyền thông tin từ các trạm đo đạc về trung tâm rất chậm và kém chính xác.
Mặt khác, 24 trạm lại phân bố không đồng đều, trong đó tập trung chủ yếu ở miền Bắc. Còn ở khu vực phía Nam mới chỉ có 2 trạm đặt tại Nha Trang và Đà Lạt. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đầu tư nâng cấp và xây dựng mới, nâng lên tổng số 36 trạm trong cả nước, bố trí đặt đồng đều tại những khu vực đã được đưa vào bản đồ phân vùng động đất và đầu tư thêm một số trạm đặt tại các đảo. Tổng kinh phí cho dự án này ước hơn 70 tỷ đồng.
- Cảm ơn ông.
VĂN PHÚC HẬU thực hiện