
Sân khấu Tết vừa qua bội thu, với đông đảo khán giả đến xem, có những suất hát khán phòng của rạp không còn một ghế trống. Nhưng hiện lại có câu hỏi được đặt ra là sau mùa bội thu, sân khấu sẽ như thế nào?
- Thắng nhưng vẫn lo!

NSƯT Thành Hội, diễn viên Hoàng Trinh và Hồng Ánh (từ trái sang) trong vở “Ba người đàn ông họ Lôi”.
Bước vào năm 2006, các sân khấu ở TPHCM đã gặt hái được những thành công tốt đẹp. Đặc biệt là trong dịp Tết Bính Tuất vừa qua, các sân khấu IDECAF, Phú Nhuận, Sài Gòn, 5B Võ Văn Tần, Nhà hát Kịch TPHCM, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang… đều tăng các suất hát lên 2 – 4 suất hát/ngày và luôn không có ghế trống.
Đến nay, một số vở diễn ở các sân khấu này vẫn còn sức hút lớn đối với nhiều khán giả như: Ba người đàn ông họ Lôi (sân khấu IDECAF), Một người đi lấy chồng (sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần), Cậu Tèo về nước (sân khấu kịch Phú Nhuận), Tiếng cười sân khấu (Nhà hát kịch TPHCM), Xông đất đầu năm (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang), Những người thích đùa (nhóm nghệ sĩ Thanh Bạch-Xuân Hương)…
Các vở diễn, chương trình sân khấu này thành công nhờ các đơn vị nghệ thuật, nhóm nghệ sĩ có sự chuẩn bị kỹ càng, từ kịch bản đến việc chọn lựa diễn viên, đầu tư vở diễn tương xứng. Bên cạnh đó là việc nắm bắt thị hiếu sân khấu Tết. “Thắng” ở đây là “thắng” của sân khấu hài! Tuy nhiên, một số chủ sân khấu cho biết, mừng thì có mà lo cũng không ít. Điều lo lắng nhất, đó là các sân khấu ở thành phố đang thiếu “kép” trầm trọng.
Ở lĩnh vực sân khấu cải lương, tình hình xem ra cũng không mấy sáng sủa cho lắm. Ông Quốc Hùng – Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang nhìn nhận: “Dịp Tết vừa qua, chúng tôi dựng 4 vở nhưng chỉ có 2 vở “Đêm giao thừa” và “Xông đất đầu năm” là thành công. Còn hai vở “Trò đùa tình yêu” và “Con dâu Bác Ba Phi” là gần như phải bù lỗ hoàn toàn”. Vì sao? Nếu vào dịp Tết vừa qua, nhà hát chọn lựa kịch bản tốt, đề tài hấp dẫn và có sự đầu tư đúng mức thì kết quả sẽ khả quan hơn.
- Sẽ phát triển mạnh mẽ?

Sau bước khởi đầu thắng lợi của năm 2006, các sân khấu ở TPHCM đang có những chuyển động tích cực. Sau thắng lợi của vở cải lương “Ngao, Sò, Ốc, Hến”, thu hút hàng ngàn khán giả đến xem, “bà bầu” Hồng Vân của sân khấu kịch Phú Nhuận tiếp tục đầu tư cho sân khấu cải lương với kịch bản “Ba Giai-Tú Xuất” của tác giả Anh Kiệt, do chính NSƯT Hồng Vân đạo diễn và có sự góp mặt của NSƯT Bảo Quốc, diễn viên Anh Vũ, Minh Nhí, Lê Giang, Mỹ Chi…
Sân khấu IDECAF trong năm 2006 này cũng hứa hẹn nhiều điều thú vị. “Ông bầu” của IDECAF, Huỳnh Anh Tuấn cho biết sẽ tổ chức đưa các chương trình sân khấu thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa (trước mắt là vở “Công chúa ngủ trong rừng”) với dàn diễn viên trẻ đến phục vụ thiếu nhi các quận huyện.
Bên cạnh đó, sẽ đầu tư những vở diễn mới: “Hạnh phúc của quỷ” (tác giả Thanh Phương – Cao Tuấn; đạo diễn Vũ Minh), “Những đêm khó ngủ” (tác giả Phạm Hữu Thông, đạo diễn Tuấn Khôi)…
Nhà hát kịch TPHCM cũng có những chuyển động tích cực trong năm 2006. Sau thành công của chương trình “Những câu chuyện tình… tức cười” diễn vào dịp lễ tình nhân, nghệ sĩ Khánh Hoàng – quyền Giám đốc nhà hát phấn khởi: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư những chương trình hài kịch ngắn để phục vụ công chúng, nhưng bên cạnh đó, nhà hát sẽ vẫn đầu tư chính kịch”.
Ở lĩnh vực cải lương, ông Quốc Hùng – Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang khẳng định: “Trong năm nay, nhà hát sẽ tổ chức cuộc vận động sáng tác kịch bản riêng cho cải lương, không thể trông chờ vào các cuộc vận động sáng tác được nữa”.
Trong năm 2006, sân khấu thành phố như được tiếp thêm sức mạnh khi Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam vừa quyết định thành lập Trung tâm Sân khấu thể nghiệm tại Trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh TPHCM (số 125 Cống Quỳnh quận 1), do NSƯT Trần Ngọc Giàu làm giám đốc. Được biết, trung tâm này sẽ chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 4-2006. NSƯT Trần Ngọc Giàu – Giám đốc trung tâm cho biết đây sẽ là nơi để các bạn sinh viên sân khấu thực tập, là nơi giới thiệu những gương mặt diễn viên trẻ và các vở diễn hay của sinh viên…
Bên cạnh việc đầu tư thì sự phấn đấu hoàn thiện mình hơn nữa của các diễn viên cũng rất quan trọng. Vấn đề bức xúc và quan trọng nhất vẫn là kịch bản mới về những đề tài mới. Có kịch bản sẽ có vở diễn, có vở diễn sẽ có diễn viên… Đương nhiên, công chúng sẽ đến với sân khấu thành phố.
ĐỖ HẠNH