Ngay trước khi bế mạc phiên họp thứ 27, UBTVQH đã nghe báo cáo và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Trình bày báo cáo về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đến nay, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được ý kiến góp ý của 63/63 Đoàn đại biểu Quốc hội và một số đại biểu Quốc hội. Các ý kiến cơ bản nhất trí với dự kiến chương trình, đồng thời đề nghị một số vấn đề cụ thể. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tiếp tục đề nghị bổ sung một số nội dung vào dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6.
Thực hiện kết luận của UBTVQH và tiếp thu ý kiến của Chính phủ và một số cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị bổ sung việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Quang cảnh phiên họp |
Bổ sung 3 báo cáo của Chính phủ (gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu). Bao gồm các báo cáo về lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm; tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11; tiến độ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh.
Tổng Thư ký cũng đề nghị, việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành được thể hiện trong Nghị quyết chung của kỳ họp (không ban hành nghị quyết riêng).
Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề nghị không bố trí trình bày các báo cáo về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 mà chỉ bố trí Quốc hội thảo luận nội dung này cùng với các nội dung về kinh tế - xã hội; bố trí Quốc hội thảo luận riêng tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Đáng chú ý, tổng thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là 3 ngày.
Như vậy, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22,5 ngày; khai mạc vào ngày 23-10 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 29-11. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội; kỳ họp tiến hành theo 2 đợt, đợt 1 là 15 ngày, từ ngày 23-10 đến ngày 10-11-2023; đợt 2 là 7,5 ngày, từ ngày 20-11 đến sáng ngày 29-11-2023.
Theo ông Bùi Văn Cường, công tác chuẩn bị kỳ họp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao, các cơ quan hữu quan chuẩn bị từ sớm nhưng hiện nay vẫn còn tài liệu của 6 nội dung của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình Quốc hội xem xét, quyết định và 28 nội dung gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu vẫn chưa được gửi Văn phòng Quốc hội để gửi các vị đại biểu Quốc hội (có phụ lục kèm theo); nhiều báo cáo thẩm tra và một số báo cáo của Chính phủ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
“Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương hơn nữa để hoàn tất việc chuẩn bị các nội dung, kịp gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội trước khi khai mạc kỳ họp”, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ.
Điều hành thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đây, kết quả họp Đảng đoàn Quốc hội, đến nay Tổng Thư ký Quốc hội đã nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý lại nội dung chương trình kỳ họp thứ 6 để báo cáo với Quốc hội xem xét quyết định tại phiên họp trù bị. Nội dung này cũng đã được Bộ Chính trị cho ý kiến và đánh giá cao dự kiến chương trình của kỳ họp.