Đất nước đứng lên trên sàn diễn nhạc kịch

Đất nước đứng lên trên sàn diễn nhạc kịch

Tiểu thuyết Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc đã được chuyển thành phim, và giờ đây lại được chuyển thành nhạc kịch cùng tên. Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã chọn nhạc kịch Đất nước đứng lên biểu diễn trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội vào hạ tuần tháng 8 phục vụ Đại hội Nhạc sĩ lần thứ 7 và vở diễn này sẽ được truyền hình trực tiếp từ Tây Nguyên nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 sắp tới.

  • Từ tiểu thuyết đến nhạc kịch

Khi chúng tôi đến Nhà hát Quân đội (Mai Dịch – Hà Nội) thì 120 diễn viên đang là sinh viên Trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội đã bắt đầu buổi tập quan trọng từ đầu đến cuối vở nhạc kịch Đất nước đứng lên dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ An Thuyên, người đã đầu tư trọn một năm để viết nên vở nhạc kịch này.

Đất nước đứng lên trên sàn diễn nhạc kịch ảnh 1

Một cảnh trên sàn tập nhạc kịch “Đất nước đứng lên”.

Số vở nhạc kịch của ta nửa thế kỷ qua chỉ đếm trên một bàn tay với Cô Sao (1965) và Người tạc tượng (1971) của Đỗ Nhuận, Bên bờ Krôngpa của Nhật Lai... Và giờ đây là nhạc kịch của An Thuyên. Không như những nhạc sĩ bậc thầy được đào tạo cẩn thận ở nước ngoài, An Thuyên chọn cho mình một cách làm khác: huy động khả năng của đồng nghiệp thân thiết và tâm đắc.

An Thuyên viết toàn bộ phần thanh nhạc với 30 ca khúc hợp xướng, aria, dio, tốp ca, v.v... theo kịch bản của mình, rồi cùng với 3 nhạc sĩ khác soạn cho dàn nhạc. (Xưa nay, các nhạc sĩ viết opera đều tự làm lấy toàn bộ âm nhạc). Nhạc sĩ Đức Trịnh soạn phần nhạc cho hợp xướng, nhạc sĩ Xuân Thủy soạn phần nhạc cho các aria và dio, nhạc sĩ Xuân Phương soạn phần nhạc cho các bài tốp ca, rồi tất cả được “nối” lại bởi Đức Trịnh. Phải nói đây là một cuộc “chắp nối” ngoạn mục, 4 người như một, bởi họ vốn là thầy trò của nhau.

  • Tác giả, diễn viên... đều là người nhà

Sau khi tác phẩm đã hoàn thành phần lời ca và âm nhạc, An Thuyên quyết định chọn chính thầy trò Trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội của mình để thể hiện, coi như một cuộc tổng học hành chưa từng có. Hiệu trưởng An Thuyên trực tiếp làm đạo diễn, chủ nhiệm khoa Đức Trịnh chỉ huy và đạo diễn phần âm nhạc, Kiều Lê, Thanh Tâm biên đạo múa, Tất Ngọc, Nguyễn Hải thiết kế mỹ thuật và 120 sinh viên làm diễn viên.

Một điều đặc biệt là trong 120 diễn viên thì gần 100 người là dân Tây Nguyên đang theo học ở trường. Những nhân vật chính đều do dân Tây Nguyên sắm vai: Agri trong vai anh Núp, Y Thanh Nhị trong vai Mai Liêu (vợ anh Núp), Mai Trang trong vai mẹ anh Núp, Kso Dực trong vai già làng v.v...

Sàn tập được Nhà hát Quân đội “cho mượn” từ tháng 4 đến nay và sẽ còn “cho mượn” tiếp cho đến khi công diễn. Kinh phí cho vở nhạc kịch này lại vô cùng eo hẹp. Theo anh Bỉnh, Cục trưởng Cục Tư tưởng-Văn hóa quân đội, cho biết thì quân đội chỉ có thể chi tối đa 200 triệu đồng, chỉ đủ sắm 60 bộ áo váy trang phục dân tộc Tây Nguyên, trong khi phải sắm 60 bộ trang phục nữa, và các loại đạo cụ cồng chiêng, giáo mác cùng với trang trí sân khấu.

Vậy là thầy trò phải tìm cách “tháo gỡ” để vở diễn có thể ra mắt công chúng đúng hẹn. Gần 100 buổi tập đã trôi qua, mỗi diễn viên được bồi dưỡng 5 ngàn đồng/buổi, số tiền không đủ ăn một bát phở. Nhưng đã quen với đời sống sinh viên kham khổ, thầy trò Trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội đã vượt qua nhiều khó khăn với lòng say mê nghệ thuật cháy bỏng, tất cả vì một vở diễn tốt đẹp mà lâu nay họ hằng hy vọng, vì họ cùng chung một mái trường thân yêu, họ là người nhà của nhau.

  • Hứa hẹn một vở diễn bi hùng và hoành tráng

Nhạc kịch Đất nước đứng lên chia làm 6 cảnh: Đạn bom và câu hỏi lớn; Nương rẫy thân yêu; Bắn Pháp chảy máu; Cơn đói và niềm tin; Luồng gió mới; Chiến đấu và chiến thắng, và vĩ thanh kết thúc. An Thuyên vốn là một nhạc sĩ mạnh về khai thác dân gian, anh thành công nhiều ở các ca khúc phát triển chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh, nhưng với nhạc kịch đề tài Tây Nguyên này, anh đã tạo nên âm hưởng Tây Nguyên của riêng mình với nhiều sắc thái nội tâm phức tạp và đa dạng.

Có những aria cho nhân vật Núp, Mẹ Núp được Agri và Mai Trang thể hiện khá ấn tượng, truyền cảm mạnh. Những bài tốp ca như Mùa xuân trên nương rẫy giai điệu rất đẹp và sinh động. Các bản hợp xướng đều vang vọng tính hào hùng của miền núi rừng Tây Nguyên bất khuất và trữ tình...

Những câu hỏi bằng âm nhạc đặt ra từ đầu vở diễn, những mâu thuẫn được đẩy dần tới kịch tính đều được giải quyết thỏa đáng khi vở diễn kết thúc là một cố gắng lớn của các tác giả âm nhạc. Những màn múa khai thác chất liệu Tây Nguyên như múa cồng chiêng, múa khèn, múa lá cây... đã giúp cho việc khắc họa tính cách nhân vật thêm sinh động, hấp dẫn.

Sự cố gắng của cả một tập thể xây dựng vở nhạc kịch này thật đáng trân trọng. Đấy là sự cố gắng của tình yêu anh hùng Núp, tình yêu Tây Nguyên, tình yêu Tổ quốc và tình yêu nghệ thuật chân chính.

Chính vì thế mà nhạc kịch Đất nước đứng lên hứa hẹn những đêm diễn chân thực, hào hùng và hoành tráng. 

Nguyễn Trọng Tạo

Tin cùng chuyên mục