Giải phim ngắn 2006:

Diều chưa gặp gió…

Diều chưa gặp gió…
Diều chưa gặp gió… ảnh 1

Một cảnh trong phim “Trái tim bạc” tác giả Nguyễn Hồng Chi đoạt giải Cánh diều bạc.

12 bộ phim vừa phim truyện, vừa phim tài liệu, phim hoạt hình được chọn ra từ 53 tác phẩm của các tác giả trẻ trong cả nước gửi về dự thi.

Tuy nhiên, kết quả từ những tác phẩm được xem là xuất sắc đã không đáp ứng được sự chờ đợi chung. Đột phá trong số này là tác phẩm “Quỳnh” của Nguyễn Thị Linh Nga (ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội).

Lần đầu tiên vấn đề đồng tính nữ được tác giả mạnh dạn khai thác khá táo bạo, mặc dù nhiều tình tiết trong phim còn chưa thuyết phục.

“Quỳnh” không có giải vì theo lời của một giám khảo là do phim quá thời lượng quy định. Riêng 12 tác phẩm lọt vào vòng chung kết của giải hầu hết đều mang màu sắc xám xịt, buồn bã. Duy nhất một tác phẩm “Tôi chỉ cần có thế” của Võ Thạch Thảo là tạo được sắc thái trẻ trung, một tiếng nói gần gũi với tâm lý giới trẻ hiện đại.

Bộ phim đơn giản chỉ là sự bày tỏ tâm trạng của một tầng lớp thanh niên hiện nay: tò mò về tính dục, muốn thể hiện cá tính. Một cô bé tuổi mới lớn tò mò xem phim sex, hẹn hò với một thanh niên vừa quen tại một quán cà phê, cùng nhau vào một khách sạn. Nhưng đến phút quyết định thì cô lại bối rối, sợ hãi và cuối cùng cô đã thú nhận mình chỉ cần ôm thôi là đủ…

Không mấy bất ngờ khi giải bạc được trao cho 2 bộ phim “Trái tim bạc” và “Đôi dép chuối”. Đây là 2 tác phẩm mang đậm tính nhân bản, một thông điệp về tình người khá xúc động.

Cánh diều vàng thuộc về tác phẩm “Đường về” của một chàng trai dân tộc Tày có tên Lục Đại Lượng. Anh vốn là phóng viên của Đài Truyền hình Bắc Cạn. Có lẽ với kinh nghiệm của một phóng viên truyền hình đã khiến cho tác phẩm của anh chững chạc hơn so với các tác phẩm khác.

Chuyện xảy ra ở một bản làng vùng cao, một người đàn ông đi tù về gặp lại người yêu cũ giờ đã có chồng. Diễn biến tâm lý của 3 nhân vật: Sự ghen tuông của người chồng, sự thất vọng của người đàn ông, sự tiếc nuối của người vợ, chỉ với 11 phút 30 giây, nhưng tác phẩm đã có được sự cô đọng, hoàn chỉnh.

Tác giả đã chọn cách giải quyết được xem là thuyết phục nhất đó là biến con đường về của người đàn ông ấy thành con đường mà anh ta quyết định sẽ ra đi.

Giải “Cánh diều 2006 dành cho phim ngắn” đã khép lại, song đọng lại trong lòng mọi người là chút gì đó hụt hẫng so với giải năm 2005. Sự thua sút về chất lượng cho thấy dường như các tác giả trẻ năm nay vẫn còn đang loay hoay, bế tắc, chưa tìm được cho mình một lối đi riêng.

HÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục