Trung tướng Nguyễn Văn Chia và cuốn hồi ký chưa kịp viết

Công việc và trách nhiệm thường dẫn người ta trôi trong mải miết. Để đến một ngày kia, khi dừng nghỉ, ngoái lại chặng đường mới đi qua, bạn bỗng muốn ghi chép, tổng kết một điều gì đó về cuộc đời mình. Trung tướng Nguyễn Văn Chia, anh Ba Chia, là một trong những người như thế. Khi đương nhiệm, anh là người khiêm tốn, ít nói về mình. Nghỉ hưu chừng vài năm, anh bỗng muốn viết hồi ký. Và anh đề nghị tôi giúp anh thực hiện việc ấy.

Hiếm có một đất nước nào mà chiến tranh diễn ra liên miên. Càng hiếm có một dân tộc nào mà đến cuối thế kỷ hai mươi, chiến tranh còn kéo dài một phần ba thế kỷ và hơn thế. Trong một ngày, có hàng trăm biến cố ùa ập đến. Bao nhiêu là việc làm, suy nghĩ, trạng thái cảm xúc chất chứa trong một con người cần được chiêm nghiệm, thổ lộ.

Trung tướng Nguyễn Văn Chia sinh năm 1942 trong một gia đình nông dân nghèo thuộc tỉnh Gia Định, tại vùng đất sau này trở thành địa danh huyền thoại: đất thép Củ Chi.

Sau phong trào Đồng khởi, công cuộc đấu tranh ở miền Nam chuyển từ khởi nghĩa từng phần sang chiến tranh cách mạng. Mười chín tuổi, như một mặc nhiên, thanh niên Nguyễn Văn Chia nhập ngũ. Anh trở thành quân nhân, lần lượt mang quân hàm từ binh nhì trở lên trong một trong những đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam - Sư đoàn bộ binh 9.

Đối thủ của Sư đoàn 9 lúc bấy giờ là sư đoàn bộ binh số một Mỹ - Sư đoàn Anh cả đỏ. Trong lịch sử quân đội Hoa Kỳ, đó là sư đoàn lục quân nổi tiếng nhất, ra đời từ năm 1917, từng đánh thắng nhiều trận trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới, đặc biệt là trong chiến dịch Noocmandi của thế chiến thứ hai. Trong chiến tranh Việt Nam, sư đoàn Anh cả đỏ từng thực hiện các cuộc hành quân nổi tiếng nhất của chiến lược chiến tranh cục bộ: Attonboro, Gianxon city, phản công Tết Mậu Thân…

Trong ký ức của Nguyễn Văn Chia, đó là những ngày cam go và hùng tráng nhất. Trải dọc miền Đông Nam bộ, đơn vị của anh đã thực hiện nhiều trận đánh, chiến dịch góp phần làm nên thắng lợi mà ý nghĩa của thắng lợi ấy từng dẫn đến sự chuyển đổi quan trọng cục diện chiến trường.

Từ sau cuộc tập kích Chiến lược mùa xuân năm 1968, chính trị viên phó tiểu đoàn Nguyễn Văn Chia đi học ở Trường Trung cao cấp Quân sự Miền, rồi trở về đơn vị cũ chỉ huy trung đoàn Bình Giã tham gia chiến dịch mùa xuân 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Chia chỉ huy đơn vị làm nhiệm vụ quân quản, rồi đi học tại Học viện Quân sự cấp cao, rồi chỉ huy Sư đoàn chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, rồi thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở đất nước Chùa Tháp.

Năm 1989, quân tình nguyện Việt Nam trở về Tổ quốc, Phó Tư lệnh Quân đoàn 4 Nguyễn Văn Chia về giữ chức vụ chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh biên giới Tây Ninh. Từ đây, anh lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng, rồi Tư lệnh Quân khu 7, cùng Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Quân khu lãnh đạo, chỉ huy Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ và Cực Nam Trung bộ thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng lực lượng vũ trang quân khu tiến lên chính quy, từng bước hiện đại trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Một chiều tháng 10-2009, ngồi uống rượu tại nhà Thiếu tướng Nguyễn Văn Bé, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TPHCM, anh nhắc tôi vụ cuốn hồi ký. Rồi tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân khu nhiệm kỳ 2010 – 2015, sáng ngày 5-7-2010, gặp tôi, anh lại nhắc lần nữa. Việc viết hồi ký hoặc sách về các đồng chí tư lệnh, chính ủy, các tướng lĩnh của quân khu qua các thời kỳ đã có trong dự thảo đề án công tác khoa học những năm 2011 – 2015, đến năm 2020. Công việc quá bề bộn. Tôi hứa với anh cuối năm sẽ bắt đầu ghi âm lời kể và đề nghị anh sưu tập dần tư liệu. Anh cười độ lượng, hy vọng một ngày cuốn hồi ký hoàn thành.

Than ôi! Khát vọng thì dài, mà đời người thì hữu hạn. Cũng như Thượng tướng Nguyễn Minh Châu, Trung tướng Bùi Thanh Vân và nhiều nhân chứng lịch sử khác, Trung tướng Nguyễn Văn Chia ra đi mà chưa kịp ghi lại cuộc đời hoạt động của mình. Họ mang về thế giới bên kia một phần tư liệu về cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc, cuộc chiến tranh mà những người đang sống có nghĩa vụ giải mã và vinh danh trong lịch sử. Không phải là tất cả, nhưng chắc chắn một phần tư liệu về cuộc đời chiến đấu của anh, Trung tướng Nguyễn Văn Chia, sẽ được lớp hậu thế tìm hiểu và khắc lưu trong ký ức của mình! 

HỒ SƠN ĐÀI

Tin cùng chuyên mục