Từ đầu năm học đến nay, đường dây nóng Báo SGGP liên tục tiếp nhận phản ánh của bạn đọc ở TPHCM về việc shisha điện tử (còn gọi là shisha pen) vào học đường. Nhiều học sinh, sinh viên hút shisha điện tử ngay tại trường và nơi công cộng. Shisha điện tử thiết kế nhỏ gọn giống cái bút, thuận tiện để lén lút hút. Các bạn trẻ hút shisha điện tử vì muốn thể hiện mình là “dân chơi”, mà không biết rõ về tác hại.
Phụ huynh lo lắng
Gọi đến đường dây nóng Báo SGGP, chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm (ngụ tại quận 1) cho biết: “Tôi rất lo khi phát hiện con trai mình (học lớp 11) cầm một thứ giống cây bút, hút và nhả ra làn khói trắng. Tôi hỏi thì con tôi cứ vòng vo không giải thích đang hút gì. Nghi ngờ cháu sử dụng chất kích thích, tôi dọa đưa đi bệnh viện thử máu, nếu phát hiện cháu chơi ma túy đá sẽ đưa vào trung tâm cai nghiện. Lúc này, cháu mới nói thật, đó là shisha pen, thứ đang được nhiều bạn học trong trường chơi. Thiết bị này có pin, tinh dầu, bật công tắc khởi động khi hút. Tôi tìm hiểu trên mạng thì giật mình khi thấy có rất nhiều trang web rao bán shisha pen công khai, nhưng không thấy các trang web này cảnh báo về tác hại”.
Anh Lê Hòa Hiệp (ngụ tại quận Tân Phú) cũng cho hay: “Vào Facebook của con tôi, tôi thấy ảnh cháu đang hút shisha pen cùng nhóm bạn, nên hoảng hồn và đang tìm cách tách cháu ra khỏi nhóm, đồng thời siết chặt việc cho cháu tiền bạc. Được biết, trước đây nhóm bạn học này thường rủ nhau đến quán cà phê hút shisha. Khi bị nhà trường phát hiện và xử lý kỷ luật, các cháu ngưng hút shisha ở quán, chuyển sang hút shisha pen vì gọn nhẹ, khó phát hiện. Shisha pen hút khói nhiều nhưng tan biến rất nhanh, mùi hương chỉ có người hút cảm nhận được, còn người xung quanh không biết, nên nhiều học sinh lựa chọn chơi shisha cách này”.
Shisha pen có thiết kế giống cây bút khiến phụ huynh và thầy cô giáo khó phát hiện
Một nữ sinh lớp 11 gọi đến đường dây nóng Báo SGGP phản ánh: “Cháu thật lo lắng khi thấy nhiều bạn học (cả nam và nữ) thường hút shisha pen trong lớp học, còn chuyền tay nhau hút chung. Bạn nào chơi shisha pen đều có biểu hiện mắt lờ đờ luôn phê như con nghiện, nên rất dễ xảy ra nhiều việc hành xử mất kiểm soát. Trong lớp, các bạn học thấy bạn mình hút shisha pen nhưng không dám báo với giáo viên vì sợ bị trả thù”.
Tác hại khó lường
Từ một trang quảng cáo bán shisha pen có rao số điện thoại cửa hàng trên đường Điện Biên Phủ (quận 1), chúng tôi gọi điện thì người bán chỉ qua chỗ khác trong hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3). Đến một căn nhà 3 tầng đóng kín mít, phía trước không thấy có bảng hiệu gì, chúng tôi được người bán dẫn lên lầu trên cùng. Với quy mô rất chuyên nghiệp, tại đây, có hẳn một văn phòng với đội ngũ toàn thanh niên choai choai làm việc, cùng với nhiều mẫu shisha pen, thùng tinh dầu shisha để xung quanh. Chúng tôi nói cần mua shisha điếu loại hút 500 lần và shisha pen số lượng lớn để bán lại cho học sinh. Người tư vấn cho rằng: “Hiện nay, shisha điếu loại hút 500 lần đã ngưng giao hàng vì rất nhiều người sử dụng chê chỉ hút được vài chục hơi đầu có hương thơm, còn sau đó chỉ có khói. Nay shisha pen đang bán rất chạy, vì giống y cây bút nên giới học sinh mua để lén hút ở nhà hay trong trường học khó bị phát hiện. Dân chơi thứ thiệt toàn mua loại đắt tiền, có giá từ 2 đến 5 triệu đồng/cây”.
Shisha pen là một loại hàng nhái kiểu dáng thuốc lá điện tử, là hàng Trung Quốc. Những cây shisha pen đều không có nhãn mác, không ghi nhà sản xuất và công ty nhập về. Thật nguy hiểm khi những chai tinh dầu còn gọi là nicotin đủ các loại hương đều không có nguồn gốc rõ ràng. Tinh dầu có đủ loại giá bán từ vài chục ngàn đồng cho đến vài trăm ngàn đồng, rất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe, đường hô hấp. Nhiều trang web quảng cáo rao bán shisha pen công khai, nhưng thực tế chỉ ghi địa chỉ “ảo”, người gọi điện thoại đến hỏi mua sẽ được hẹn đến một địa điểm khác.
Người sử dụng shisha sẽ dần có nhu cầu chơi loại liều lượng nặng hơn, như bồ đà, ma túy đá, heroin. Nhiều nước đã chính thức cảnh báo shisha gây những bệnh lý nguy hiểm như viêm phế quản, lao, truyền nhiễm (do hút chung, hương thơm không rõ nguồn gốc), do đó đã cấm hút shisha và xem shisha như là một chất độc hại. Đặc biệt, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã cảnh báo về tác hại của shisha. Từ tháng 7-2013, UBND TPHCM đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu xem xét bổ sung mặt hàng thuốc shisha vào danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, thế nhưng cho đến nay vẫn chưa có lệnh cấm.
THANH HẢI