Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TPHCM Nguyễn Thành Trung và Giám đốc Sở GT - VT TPHCM Trần Quang Lâm, chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, các ý kiến cho rằng, việc UBND TP xây dựng dự thảo thay thế Quyết định số 74/2008/QĐ-UBND ngày 23/10/2008 quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP (Quyết định 74) là cần thiết. Bởi hiện nay, Quyết định 74 đã qua 12 năm thực hiện nên có nhiều quy định không còn phù hợp với thực tế.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, ở một số địa bàn quận huyện có tình trạng tiêu cực trong cán bộ, công chức khi thực hiện thủ tục cấp giấy phép sử dụng vỉa hè. Đặc biệt, đối với khu vực trung tâm thành phố tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè diễn ra phổ biến, nhiều trường hợp chỉ cần chi trả một khoản “lệ phí” để mua một vị trí vỉa hè làm khu để xe cho khách hàng, hoặc cho thuê lại để kinh doanh ăn uống, gây mất mỹ quan đô thị. Công tác quản lý địa bàn ở nhiều nơi buông lỏng, lực lượng quản lý đô thị thiếu kiểm tra, thậm chí tiếp tay cho lấn chiếm lòng đường, vỉa hè… Do vậy, theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, cần phải siết chặt công tác quản lý và xử lý nghiêm những trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.
Cùng quan điểm trên, ông Hà Ngọc Trường, Trung tâm Tư vấn Khoa học và Công nghệ Cầu Đường TPHCM cho rằng, Quyết định 74 được duy trì quá lâu, chậm thay đổi, dẫn đến nhiều tuyến đường không còn chỗ cho người đi bộ, một phần lòng đường bị chiếm dụng gây mất an toàn giao thông. Ông Trường nói thêm: “Tôi ở Quận 4, nhiều tuyến đường vỉa hè vào buổi tối không thể nào đi được vì quán xá, để xe ốc chiếm dụng hết. Khi hỏi chủ quán thì họ bảo là phường cho thuê rồi, ông đừng hỏi tôi mà lên hỏi phường ấy”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM, năm 2017 UBND TPHCM giao cho Ban an toàn giao thông trực tiếp ký cam kết với Chủ tịch UBND 24 quận, huyện về lập lại trật tự lòng, lề đường. Trong đó, có nội dung cam kết trong năm 2019 sẽ làm thông thoáng 157 tuyến đường, sau đó làm điểm nhân rộng ra toàn thành phố. Thực sự, qua kiểm tra chỉ có hơn 20% là thông thoáng, phần lớn còn lại là rất phức tạp. “Cách nay mấy ngày, tôi có đi kiểm tra tại Chợ đầu mối Bình Điền theo phản ánh của báo đài thì thấy đúng là quá ê hề. 3.000 người đã chiếm hết 2 làn đường trên một đoạn ngắn chỉ vài trăm mét để buôn bán. Thực tế này, Chủ tịch UBND quận 8, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh; Chủ tịch UBND phường 7, quận 8, Chủ tịch UBND xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh ký cam kết từ năm 2017 mà tới nay không làm được”, ông Tường bức xúc nói.
Để quản lý, khai thác tốt một phần lòng đường và vỉa hè, các ý kiến tại hội nghị đều thống nhất phải thay đổi Quyết định 74 bằng một quyết định với những nội dung phù hợp từng khu vực, từng tuyến đường, nơi nào được cấp phép sử dụng tạm có thời hạn trong ngày để bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh, nơi nào không được phép và phải được quản lý chặt, không để vi phạm. Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Xuân Lâm, cần phân cấp mạnh về cho phường, xã, quận, huyện, Sở GT-VT không can thiệp. Việc thu phí cũng nên giao cho quận, huyện, phường xã làm, MTTQ và các đoàn thể giám sát việc này.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TPHCM Nguyễn Thành Trung ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý vào dự thảo quy chế về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TPHCM. Ủy ban MTTQ TPHCM sẽ tổng hợp, trình ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện quy chế, để sớm triển khai trong thực tế, góp phần vào công tác quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của một đô thị văn minh, hiện đại.