Siết quy trình, giảm tai biến trong quá trình chạy thận

Theo thông tin từ Sở Y tế TPHCM, đến nay hầu hết các BV có đơn vị lọc thận, chạy thận nhân tạo trên địa bàn TP đã tiến hành rà soát lại quy trình, kỹ thuật đang thực hiện theo quy định của sở. 
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Chợ Rẫy Ảnh: PHẠM AN
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Chợ Rẫy Ảnh: PHẠM AN
Cả nước có trên 10.000 bệnh nhân mắc bệnh thận phải chạy thận lọc máu định kỳ. Sau vụ tai biến y khoa nghiêm trọng khiến 18 bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Hòa Bình bị sốc phản vệ làm 8 người tử vong, Bộ Y tế đang cùng với các BV trên cả nước tập trung rà soát lại mạng lưới chạy thận lọc máu, kiểm tra, kiểm soát toàn bộ máy móc, trang thiết bị, quy trình kỹ thuật.
Không được chủ quan, lơ là Theo thông tin từ Sở Y tế TPHCM, đến nay hầu hết các BV có đơn vị lọc thận, chạy thận nhân tạo trên địa bàn TP đã tiến hành rà soát lại quy trình, kỹ thuật đang thực hiện theo quy định của sở. Tại BV Nguyễn Tri Phương mỗi ngày tiếp nhận 80 - 100 bệnh nhân đến chạy thận, điều trị nội trú. Giữa năm 2016, BV đưa vào hoạt động Trung tâm Lọc máu kỹ thuật cao có quy mô 20 máy lọc máu, công suất phục vụ 50 - 60 bệnh nhân/ngày với trang thiết bị hiện đại, được các chuyên gia Nhật Bản qua huấn luyện, kiểm tra định kỳ và được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, sau sự cố chạy thận ở Hòa Bình, lãnh đạo BV đã tổ chức rút kinh nghiệm cho toàn BV, chỉ đạo các khoa chuyên môn rà soát lại quy trình, không riêng lĩnh vực chạy thận. Việc tập huấn, kiểm tra, kiểm soát quy trình chuyên môn vẫn được tiến hành thường xuyên, sau này càng được tăng cường hơn với tiêu chí đảm bảo chất lượng phục vụ bệnh nhân tốt nhất, quyết tâm không để xảy ra sai sót đáng tiếc.
Siết quy trình, giảm tai biến trong quá trình chạy thận ảnh 1 Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Thủ Đức, TPHCM                Ảnh: THÀNH SƠN
 Tại BV Thận Hà Nội, do đây là cơ sở chuyên ngành chạy thận lớn nên hàng ngày lượng bệnh nhân tới khám điều trị các bệnh về thận và lọc máu rất đông. Bác sĩ Hà Huy Thắng, Giám đốc BV Thận Hà Nội, cho biết, chỉ riêng số bệnh nhân chạy thận định kỳ tại BV là trên 450 người/ngày và BV phải tổ chức chạy thận tới 3 ca để đáp ứng nhu cầu lọc máu của người bệnh. Hiện nay, hệ thống hơn 60 máy chạy thận của BV phải làm việc trung bình từ 12 - 15 tiếng/ngày. Sau sự cố xảy ra tại BV Đa khoa Hòa Bình, BV đã tiếp nhận thêm 30 bệnh nhân chạy thận ở Hòa Bình xuống lọc máu định kỳ, nên phải tăng ca chạy thận lên 4 ca/ngày. Để bảo đảm an toàn cho các bệnh nhân chạy thận, phòng ngừa tai biến, BV đã tăng cường thêm y, bác sĩ, kỹ thuật viên túc trực giám sát chặt chẽ toàn bộ quá trình chạy thận của bệnh nhân. Đồng thời, rà soát, kiểm tra toàn bộ máy móc, trang thiết bị và thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật rửa, sử dụng quả lọc thận. 

Tăng cường kiểm tra, giám sát
Theo Bộ Y tế, chạy thận nhân tạo lọc máu chu kỳ tại Việt Nam đã được triển khai thực hiện từ nhiều năm nay, mỗi ngày có hàng ngàn lượt người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳ tại các BV. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo BV Bạch Mai, cho biết, trung bình mỗi năm, BV thực hiện 90.000 ca chạy thận lọc máu. Hiện nay, tỷ lệ tai biến trong chạy thận nhân tạo tại BV ngày càng giảm vì kỹ thuật được kiểm soát chặt chẽ. Các cơ sở y tế muốn thực hiện kỹ thuật này phải thông qua các danh mục kỹ thuật được đăng ký và phải được sở y tế địa phương cùng Bộ Y tế cho phép thực hiện. Đồng thời, yêu cầu các bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ sư thực hiện phải được đào tạo ở cơ sở đầu ngành về chạy thận lọc máu mà Bộ Y tế cho phép như BV Bạch Mai, Việt Đức. Dưới góc độ chuyên môn, PGS-TS Phạm Văn Bùi, Chủ tịch Hội Lọc máu TPHCM, cho rằng, bản chất của chạy thận nhân tạo là có hệ thống màng lọc, qua màng lọc cho phép thấm những chất độc trong cơ thể ra. Mặc dù quy trình chạy thận lọc máu đã có quy định chặt chẽ, nhưng vẫn có thể xảy ra khoảng 20 biến chứng trong quá trình lọc máu. Những tai biến mà bệnh nhân chạy thận thường gặp là tụt huyết áp, chuột rút, buồn nôn và nôn, nhức đầu, đau ngực, ngứa và sốt ớn lạnh. Trong đó, tụt huyết áp là một tai biến thường gặp khi chạy thận, nhất là khi bệnh nhân bị bệnh tiểu đường. Do đó, quy trình chạy thận nếu không được theo dõi kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ, rất dễ xảy ra sự cố; nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời sẽ có thể gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.  PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), yêu cầu các đơn vị trực tiếp thực hiện chạy thận nhân tạo hoặc chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc có chạy thận nhân tạo tuân thủ đúng quy trình do Bộ Y tế ban hành. Đồng thời, các đơn vị rà soát toàn bộ các bước chuẩn bị máy chạy thận nhân tạo, dịch lọc thận, hệ thống xử lý nước, quả lọc thận, dây máu, kim chọc, các loại thuốc chống đông, hộp thuốc chống phản vệ, quy trình vận hành máy, hồ sơ bệnh án và các nội dung liên quan khác đến chạy thận nhân tạo.
 Tạm ngưng đơn vị chạy thận BV Quốc tế Vũ Anh

Sở Y tế TPHCM vừa có văn bản gửi BV Quốc tế Vũ Anh về việc yêu cầu tạm ngưng hoạt động đơn vị Thận nhân tạo của BV. Lý do, BV Quốc tế Vũ Anh đã thay đổi toàn bộ bác sĩ làm việc tại đơn vị Thận nhân tạo và cần được Sở Y tế kiểm tra, thẩm định thực tế các điều kiện thực hiện kỹ thuật thận nhân tạo của BV, để có cơ sở cho phép hoạt động trở lại. Trong thời gian chờ thẩm định, để đảm bảo an toàn cho người bệnh, Sở Y tế yêu cầu BV Quốc tế Vũ Anh ngưng ngay hoạt động đơn vị Thận nhân tạo, khẩn trương báo cáo số lượng, tình hình người bệnh đang được chạy thận nhân tạo tại BV để sở chuyển điều trị tiếp tục tại các BV khác.
THÀNH AN

Tin cùng chuyên mục