Sinh viên với nắng gió thao trường

Học môn giáo dục quốc phòng - an ninh, đổ những giọt mồ hôi trên thao trường, các sinh viên không những được rèn luyện, thử thách mà còn tham gia góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc.
Sinh viên Trường Đại học Y Dược TPHCM kiểm tra bắn ảo súng tiểu liên AK tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh, Trường Quân sự Quân khu 7
Sinh viên Trường Đại học Y Dược TPHCM kiểm tra bắn ảo súng tiểu liên AK tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh, Trường Quân sự Quân khu 7

Vượt lên chính mình

Những ngày giữa mùa khô ở miền Đông Nam bộ, dù hơi nóng hầm hập phả xuống thao trường Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh của Trường Quân sự Quân khu 7 và Đại học Quốc gia TPHCM…, hàng ngàn sinh viên vẫn hăng say huấn luyện bắn súng, ném lựu đạn. Kỳ học quân sự tập trung tuy không dài, nhưng đây là thời gian để sinh viên rèn luyện nhiều kỹ năng và kỷ luật quân đội.

Sinh viên Trần Minh Việt, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, chia sẻ, thói quen tự do trong sinh hoạt, thời gian học tập đã được siết chặt từ khi sinh viên khoác lên mình bộ quân phục màu xanh. Các sinh viên phải vượt lên chính mình, thực hiện đúng theo quy chế “nhà binh” với 11 chế độ trong ngày, 3 chế độ trong tuần. Những việc tưởng chừng đơn giản như ăn, ngủ và dậy đúng giờ, nhưng lại là thử thách đối với nhiều sinh viên. Theo Minh Việt, ngày đầu làm bộ đội, các sinh viên được trang bị quân trang, phòng ở tập trung 12 người và lớp học được phân thành các tiểu đội, trung đội. Mọi người bắt đầu nếp sống “nhà binh”. Giờ giấc trong ngày đối với học viên đã được định sẵn, từ giờ lên giảng đường, ăn uống, ra thao trường đến giờ lên giường đi ngủ. Những ngày đầu “làm bộ đội”, nhiều sinh viên phải thức đêm để luyện tập xếp chăn gối cho vuông thành sắc cạnh, hoàn thành đúng thời gian quy định.

Những môn học mới, có phần khô khan về đường lối quốc phòng, an ninh của Đảng, công tác quốc phòng và an ninh là thử thách đối với sinh viên. Trong bộ quân phục gọn gàng, các sinh viên nghiêm túc ngồi nghe giảng hàng giờ. Nhiều môn học các bạn lần đầu được biết đến, như quân sự chung và các khí tài, vũ khí chiến đấu, chiến thuật quân sự cơ bản trên thao trường. Sinh viên Trần Thị Hằng Nga, Trường Đại học Luật TPHCM, cho biết, sinh viên nữ có lợi thế xếp chăn màn nhanh, gọn; chấp hành giờ giấc tốt hơn sinh viên nam, nhưng lại dễ đuối sức trên thao trường hơn. Sau kỳ học quân sự tập trung, dù gương mặt của các sinh viên nữ rạm nắng, nhưng bù lại, các bạn trông rắn rỏi hơn trong bộ quân phục.

Với tinh thần “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, những buổi học trên thao trường, huấn luyện điều lệnh, tập bắn súng, ném lựu đạn là thử thách đối với tất cả sinh viên. Nhiều hôm, dưới trời nắng gắt, các sinh viên đánh vật với từng động tác tháo lắp đạn, ngắm bắn đúng mục tiêu. Với nhiều sinh viên nữ, chỉ riêng động tác ném lựu đạn, các cán bộ giảng dạy phải hướng dẫn nhiều lần mới đạt yêu cầu.

Lớp trí thức trẻ vừa hồng vừa chuyên

Nhiều năm qua, công tác giáo dục quốc phòng - an ninh đối với sinh viên, lực lượng trí thức trẻ được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 quan tâm thực hiện. Các trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh chú trọng đầu tư nâng cấp trang thiết bị học đường, huấn luyện và phối hợp với các trường đại học, cao đẳng để làm tốt công tác giáo dục, huấn luyện cho sinh viên.

Thiếu tá Dương Ngọc Toán, Trợ lý tuyên huấn, Phòng Chính trị, Trường Chính trị Quân khu 7, cho biết, nhà trường đã liên kết với 45 trường đại học, cao đẳng trong khu vực, với số lượng sinh viên dự kiến mỗi năm lên đến 40.000 người. Theo kết quả công tác giáo dục quốc phòng - an ninh năm 2022, 100% sinh viên đạt yêu cầu, 70% đạt khá và giỏi; 100% sinh viên có kết quả rèn luyện tốt.

Theo Th.S Trần Minh Tuấn, Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kiến trúc TPHCM, sau khi hoàn thành chương trình giáo dục quốc phòng - an ninh, các sinh viên đã có nhiều tiến bộ về ý thức học tập cũng như tư tưởng, chính trị. Sinh viên đã trưởng thành hơn trong ý thức học tập, có tinh thần xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh.

Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Tham mưu trưởng, Phó Tư lệnh Quân khu 7, thông tin, mục đích của chương trình giáo dục quốc phòng - an ninh đối với lực lượng sinh viên là nhằm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Bộ Tư lệnh TPHCM là đơn vị làm tốt công tác giáo dục quốc phòng - an ninh cho sinh viên. Năm 2022, Bộ Tư lệnh TPHCM đã tổ chức giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh cho 374.000 sinh viên. Hàng trăm ngàn trí thức trẻ được thử thách, rèn luyện qua nắng gió thao trường và trang bị đầy đủ kiến thức quốc phòng - an ninh sẽ hình thành nên thế hệ thanh niên vừa hồng vừa chuyên - trình độ cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc, bền lâu.

Thiếu tá Phan Quốc Thiều, Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh (Đại học Quốc gia TPHCM), cho biết, hiện nay các trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh đã kết hợp nhiều phương pháp tích hợp và trang bị hệ thống máy chiếu, sơ đồ, bản đồ, mô hình học cụ, sử dụng công nghệ thông tin để giúp các sinh viên hoàn thiện kiến thức cơ bản, kỹ năng về các nội dung hoạt động quân sự. Để các sinh viên trở thành người lính thực thụ, ngoài giờ học trên giảng đường, chỉ huy cùng các sinh viên cũng nỗ lực, đổ nhiều mồ hôi trên thao trường.

Tin cùng chuyên mục