Sơ chế, đóng gói hàng nông sản tại nguồn: Chưa đồng bộ, thiếu biện pháp chế tài

Sau 3 năm TPHCM triển khai chương trình sơ chế hàng hóa nông sản có nguồn gốc từ các tỉnh thành đưa về 3 chợ đầu mối bán buôn là Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền, đến nay tỷ lệ rác thải trên tổng lượng hàng hóa về 3 chợ có xu hướng giảm. Để chương trình đạt hiệu quả cao, thì việc thực hiện phải đồng bộ, có biện pháp chế tài phù hợp nhằm đảm bảo sự công bằng trong quá trình triển khai. 

Kết quả chưa đồng đều

Báo cáo UBND TPHCM về kết quả triển khai Chương trình sơ chế nông sản tại nguồn của 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm là Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn giai đoạn 2018-2020 của Sở Công thương TPHCM cho thấy, công tác sơ chế hàng hóa nông sản tại nguồn đã đạt được những tín hiệu tích cực ban đầu, lượng rác thải hữu cơ có xu hướng giảm dần, một số đơn vị cung ứng các mặt hàng nông sản đã tiến hành hoạt động sơ chế, đóng gói tại nơi nuôi trồng trước khi nhập chợ.  

Theo đó, lượng rác thải bình quân tại 3 chợ đầu mối có xu hướng giảm qua các năm. Cụ thể năm 2018 là 242,4 tấn/đêm (chiếm 2,76% trên tổng lượng hàng là 8.783 tấn/đêm), năm 2019 là 199 tấn/đêm (chiếm 2,23% trên tổng lượng hàng là 8.909 tấn/đêm) và 7 tháng đầu năm 2020 là 173 tấn/đêm (chiếm 2,20% tổng lượng hàng là 7.888 tấn/đêm). Như vậy, trong giai đoạn 2018-2020, lượng rác thải của 3 chợ, trong đó chủ yếu là rác thải có nguồn gốc từ rau củ quả đã giảm khoảng 60-65 tấn/đêm (sau khi đã ước tính loại trừ lượng rác của các hàng hóa khác), tương đương 25%-27% lượng rác thải năm 2018. 

Trong chuyến đi khảo sát vào đầu tháng 2-2021 tại một số chợ đầu mối, chúng tôi ghi nhận, thực tế diễn ra tương đối sát với báo cáo của ngành công thương về kết quả thực hiện chương trình sơ chế hàng nông sản tại nguồn. Tại khu vực nhà lồng rau củ quả chợ đầu mối Hóc Môn, các ô vựa bán cải thảo, cải sậy chất rác thải những lớp lá bên ngoài của bắp cải vào sọt tre rồi đẩy ra đổ ở khu vực tập kết rác bên ngoài nhà lồng. Tại một số ô vựa bán củ cải trắng, cà rốt, bắp cải từ xe tải chuyển xuống khá sạch sẽ, cành lá được cắt gọn gàng đóng thành từng bao lớn nên không cần sơ chế. Lối đi bên trong nhà lồng và các hành lang xung quanh khá sạch, thoáng, khác hẳn với hình ảnh rác thải rau củ đổ đống, tràn ra cả lối đi như nhiều năm trước.  

Đại diện Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, 3 năm qua, công ty đã thống nhất chủ trương không ưu tiên cho việc sơ chế hàng hóa tại chợ. Thương nhân kinh doanh 6 mặt hàng là củ cải trắng, cà rốt, bắp cải, cải thảo, cải sậy, thơm phải làm sạch hàng hóa trước khi đưa vào chợ; trường hợp buộc phải sơ chế tại chợ thì phải dọn dẹp gọn gàng, mang rác ra đổ ở khu vực quy định. Thời gian đầu, ban quản lý có phương án hỗ trợ, về sau thương nhân tự thực hiện. Thương nhân thấy hàng chưa được sơ chế thì báo lại nơi cung cấp hàng để họ chủ động làm sạch nông sản trước khi đưa về TP. 

Tương tự, tại 2 chợ Thủ Đức và Bình Điền cũng thực hiện chương trình từ năm 2018, tập trung vào 5 mặt hàng chiếm 70% lượng rác thải ngành hàng rau củ quả là củ cải trắng, cà rốt, cải thảo, cải sậy, bắp cải. Tuy nhiên, so với chợ Hóc Môn, việc quản lý sơ chế tại Bình Điền chưa hiệu quả. Theo Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, hiện tại hàng hóa về chợ chưa được sơ chế tại nguồn, dẫn đến áp lực cho chợ trong công tác xử lý rác thải với khối lượng trên dưới 80 tấn/ngày đêm. Từ đó, công ty kiến nghị UBND TP có chỉ đạo, cũng như phối hợp với các tỉnh thành trong công tác sơ chế hàng hóa tại nguồn trước khi nhập chợ.

Sơ chế, đóng gói hàng nông sản tại nguồn: Chưa đồng bộ, thiếu biện pháp chế tài ảnh 1 Rau củ quả bán tại chợ Nguyễn Văn Trỗi đã được sơ chế. Ảnh: CAO THĂNG
Cần biện pháp chế tài

Liên quan đến việc triển khai chương trình sơ chế hàng nông sản tại nguồn, nhiều ý kiến cho rằng, thời điểm chúng ta thực hiện (tức năm 2018) đã đi vào giai đoạn chín muồi, vì xuất phát từ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Họ chỉ ưu tiên sử dụng những sản phẩm được truy xuất nguồn gốc, sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, GlobalGAP, Organic… Mặt khác, TPHCM đã phê duyệt và ban hành đề án Quy hoạch phát triển ngành thương mại TPHCM đến năm 2025, định hướng 2030, trong đó đặt mục tiêu sẽ đầu tư nâng cấp mạng lưới các chợ truyền thống nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu kinh doanh và mua sắm của người dân, cũng như đưa 3 chợ đầu mối trở thành các trung tâm giao dịch hàng hóa và là địa điểm tham quan, mua sắm của du khách. Vấn đề còn lại là để thực hiện thành công, rất cần ý thức cũng như hành vi của các thương nhân, các nhà vườn. Họ mới chính là chủ thể để thực hiện chứ không phải ai khác. 

Để triển khai chương trình, trong 3 năm qua, Sở Công thương TPHCM - đơn vị chủ công thực hiện đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các tỉnh thành có nguồn cung lớn về nông sản cho TPHCM như Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang, Đắk Nông, Đắk Lắk; làm việc với ban quản lý và thương nhân 3 chợ đầu mối của TP; đi thực tế và tổ chức các hội thảo đầu bờ để khảo sát, tìm hiểu và đánh giá về cơ sở hạ tầng của các đơn vị tham gia vào công tác sơ chế tại nguồn. Từ đó, phân tích và đề xuất hướng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh trong quá trình triển khai. Nghiên cứu, phân tích và so sánh chi phí, lợi ích của việc sơ chế hàng hóa tại nguồn, từ đó đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các đơn vị tham gia. 

Dù có nhiều nỗ lực từ các phía nhưng chương trình chưa mang lại hiệu quả cao nhất, lượng rác thải từ nông sản đưa vào TP chưa có sự kéo giảm rõ rệt. Nguyên nhân chính là do chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa ban quản lý các chợ đầu mối và sự quyết liệt của TP trong việc giám sát, thực hiện. Lâu nay, các ban quản lý chợ vẫn nhìn nhau để “siết” quy định về sơ chế nông sản tại nguồn, nếu 1 chợ “siết” trong khi 2 chợ khác “nương” thì thương nhân ở chợ bị “siết” không bán được hàng, có phản ứng; nếu cả 3 chợ đồng loạt thực hiện nghiêm thì người kinh doanh, sản xuất buộc phải làm đúng theo quy định.

Mới đây, tại buổi làm việc với các sở, ngành chức năng của tỉnh Lâm Đồng (địa bàn có nguồn cung rau củ quả nhiều nhất cho thị trường TPHCM), Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Lê Huỳnh Minh Tú cho biết, trong năm 2021, TPHCM sẽ tiếp tục triển khai chương trình sơ chế hàng nông sản tại nguồn và siết lại quy định về cung ứng hàng hóa vào các chợ đầu mối để kéo giảm lượng rác thải đổ về TP. 

Trước mắt, ban quản lý các chợ với vai trò là đơn vị trực tiếp tiếp nhận hàng hóa cần kiên quyết không cho 5 mặt hàng củ cải trắng, cà rốt, cải thảo, cải sậy, bắp cải chưa qua sơ chế vào chợ, tiến đến giai đoạn cấm các mặt hàng trên vào chợ nếu chưa được sơ chế; từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể lộ trình tiến tới không cho hàng hóa chưa qua sơ chế tại nguồn được vào chợ. Các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu, xây dựng quy chế chung về các biện pháp quản lý hàng hóa nhập chợ đầu mối, quy cách đóng gói hàng hóa nông sản để bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm tỷ lệ hao hụt sản phẩm, giảm rác thải sơ chế tại chợ đầu mối, tiến đến xây dựng hàng rào kỹ thuật cho các mặt hàng nông sản nhập vào TP.

Theo Sở Công thương TPHCM, vào thời điểm tháng 7-2018, sản lượng hàng nhập chợ bình quân hàng đêm tại 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn ước đạt 9.205 tấn/đêm. Tổng lượng rác bình quân hàng đêm tại thời điểm này ước đạt 240 tấn/ngày, trong đó ước tính lượng rác từ các hoạt động sơ chế nông sản tại chợ chiếm gần 90%. Để xử lý hết toàn bộ lượng rác thải này, ban quản lý 3 chợ đầu mối phải tốn chi phí hơn 2 tỷ đồng/tháng cho công tác thu gom, vệ sinh, tiêu độc khử trùng, vận chuyển và xử lý rác tại chợ, tương đương gần 67 triệu đồng/ngày.

Nếu làm tốt công tác sơ chế tại nguồn, đối với nông dân hầu như chỉ tốn công chứ không tốn thêm chi phí cho quy trình tạo thành phân bón cho cây trồng; đối với 3 chợ đầu mối sẽ có tác dụng làm giảm đáng kể chi phí xử lý lượng rác thải hữu cơ phát sinh từ quá trình sơ chế. Chi phí sơ chế tại 3 chợ đầu mối sẽ cao hơn chi phí sơ chế tại nguồn và sự chênh lệch này sẽ được cộng dồn vào giá thành sản phẩm hàng hóa đang kinh doanh tại chợ. Đối với phần thừa, không sử dụng của nông sản mà vẫn vận chuyển vào TP do không được sơ chế tại nguồn ngay sau khi thu hoạch, sẽ làm tăng chi phí vận tải, đó là chưa kể đến chi phí vận chuyển hàng hóa hư hỏng do chưa đóng gói bao bì, bảo quản với điều kiện nhiệt độ phù hợp ngay sau thu hoạch, dẫn đến giảm giá trị của sản phẩm. Tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch lên tới 30% làm giảm sức cạnh tranh của hàng nông sản, đặc biệt là về giá bán. 

Theo nhận định của ngành công thương, đây là một dự án tuy không khó nhưng cũng không dễ thực hiện. Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên mới có thể làm được.

Tin cùng chuyên mục