Số hóa cảng biển

Khu cảng Cái Mép - Thị Vải của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cửa ngõ ra biển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng là cửa ngõ hội nhập, giao thương với thế giới bằng đường biển lớn nhất, quan trọng nhất Nam bộ, vừa được Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) thực hiện số hóa.

Hơn 3 năm trước, Portcoast đã áp dụng công nghệ vào việc thu thập thông tin, lập thiết kế, quản lý xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là cảng biển tại Việt Nam. Khi bắt đầu ứng dụng công nghệ Laser scanner vào quản lý, Portcoast đã gây được ấn tượng rất tốt với các chủ đầu tư.

Nếu như trước đây, việc khảo sát địa hình hiện trạng một khu vực thường chỉ là đo các điểm rời rạc và sau đó xây dựng bản đồ dạng 2 chiều, thì với thiết bị quét laser, các chuyên gia có thể quét toàn bộ địa hình với các công trình hiện hữu trên đó.

Thiết bị quét laser sẽ được gắn với thiết bị bay Stormbee và thiết bị bay sẽ “giúp” thiết bị quét laser bay lên cao để có thể quét ở một phạm vi rộng lớn - một việc mà nếu chụp ở dưới mặt đất sẽ không chính xác. Dữ liệu quét thu được sẽ là hàng tỷ tỷ điểm ở dạng đám mây (point cloud) - đây chính là dữ liệu số có đầy đủ các thuộc tính về tọa độ, độ cao… trên tất cả bề mặt địa hình, công trình với góc quét 360 độ và với sai số chỉ 1mm so với thực tế.

Dữ liệu này kết nối với các phần mềm ứng dụng vẽ, đồ họa… cho ra các bản vẽ 3 chiều. Nếu kết hợp với công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR), “đeo” thiết bị xem, mọi người có thể “đi thăm” toàn bộ khu vực trong không gian ảo.

Portcoast là đơn vị đầu tiên sở hữu thiết bị Stormbee UAV-20 ở Đông Nam Á. Chia sẻ về quyết định tiên phong trong đầu tư, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này, ông Trần Tấn Phúc, Chủ tịch HĐQT Portcoast, cho biết, trước hết đó là nghề, là đam mê vì với một đơn vị tư vấn thiết kế cảng biển, việc nâng cao chất lượng tư vấn là yêu cầu sống còn. Sau nữa cũng là để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của Bộ GTVT và Chính phủ.

Năm 2016, Thủ tướng đã phê duyệt đề án Áp dụng mô hình thông tin công trình trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình. Trên tinh thần này, ngành GTVT cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành 100% chuyển đổi số toàn diện nghiệp vụ của tất cả các đơn vị trong ngành. Thực tế, Portcoast đã áp dụng thành công số hóa ở nhiều công trình xây dựng như khảo sát địa chất cảng quốc tế Mỹ Xuân, cảng thép Posco; giám sát thi công cảng container SAPT-Pakistan…

Hiện tại, với hệ thống thiết bị và công nghệ quét laser scan 3D tiên tiến, Portcoast đã xây dựng gần như hoàn chỉnh mô hình số cơ sở hạ tầng cảng biển, tích hợp hệ thống thông tin từng công trình với hệ thống thông tin địa lý 3D.

Mô hình số hệ thống cảng (có thể gọi là Bim-Gis) được tích hợp từ mô hình hiện trạng, mô hình quy hoạch các bến cảng mới, các mô hình hàng hải của tàu, mô hình thủy hải văn, các mô hình mô phỏng hoạt động khai thác… nhằm giúp các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp khai thác cảng biển, hãng tàu và cả những nhà đầu tư dễ dàng nắm bắt một cách trực quan toàn bộ hệ thống cảng biển.

Mô hình số cơ sở hạ tầng cảng biển (bản sao số - Digital Twin) không chỉ cho phép nghiên cứu quy hoạch phát triển không gian, chi tiết hình học hay tọa độ, cao độ của từng điểm bất kỳ của công trình, nhìn tường tận hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm dưới mặt đất, đáy sông, địa tầng địa chất, các thông tin liên quan đến quản lý, duy tu, bảo trì… mà trong tương lai còn cho phép tái tạo những gì đang xảy ra trong hệ thống cảng, thiết lập các kịch bản mô phỏng mọi hoạt động của cảng như các hoạt động giao thông, các tình huống sự cố có thể xảy ra…, để xây dựng các kịch bản ứng phó, tiến tới hoàn thiện hệ thống quản lý cảng biển một cách toàn diện.

Việc đi tiên phong áp dụng số hóa của Portcoast cũng đang có tác động mạnh mẽ đến các đơn vị tư vấn trong lĩnh vực hạ tầng khác. Nó vừa tạo ra động lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng vừa giúp ngành xây dựng Việt Nam từng bước minh bạch hóa hoạt động đầu tư.

Tin cùng chuyên mục