“Số hóa” - Không thể chậm chân

Cuối năm 2019, hãng lữ hành lâu đời nhất thế giới Thomas Cook (Vương quốc Anh) phá sản sau 178 năm hoạt động, với khoảng 21.000 nhân viên ở 16 quốc gia, thực sự khiến ngành du lịch thế giới rúng động. 

Ngoài những nguyên nhân chủ quan, còn có tác động không nhỏ từ xu hướng du lịch thay đổi. Người dân dễ dàng tiếp cận trực tiếp từ các trang web cung ứng dịch vụ, mua được vé máy bay ưu đãi, nghỉ dưỡng tại những khách sạn hạng sang với giá phù hợp… mà không cần nhờ nhiều vào các hãng du lịch.

Ngay tại Việt Nam, hàng loạt thương hiệu dịch vụ du lịch toàn cầu cũng đã xuất hiện như Booking.com, Agoda, Traveloka, Expedia… Hiệp hội Du lịch Việt Nam thống kê có khoảng 70% khách du lịch quốc tế đã đến nước ta (thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát) thông qua tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội và đặt các dịch vụ trực tuyến.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp lữ hành khẳng định, không muốn chậm chân trong “cuộc chiến” giữ thị phần du lịch, bằng cách mở rộng các dịch vụ tiện ích, tích hợp cả trực tuyến lẫn truyền thống, nhằm gia tăng sự trải nghiệm, phục vụ nhu cầu khách hàng. Chẳng hạn, tại Lữ hành Saigontourist, doanh nghiệp vẫn triển khai song song các gói dịch vụ riêng lẻ như đặt vé máy bay, thuê xe… cho khách có nhu cầu. Hay như Vietravel có ứng dụng lịch trực tuyến TripU cung cấp toàn diện các dịch vụ cần thiết cho một chuyến đi, từ đặt phòng khách sạn, đặt vé máy bay giá siêu tiết kiệm, tour độc quyền đến dịch vụ visa, ví điện tử thanh toán trong và ngoài nước…

Câu chuyện áp dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh truyền thống đã được các doanh nghiệp du lịch đặt ra từ nhiều năm trước. Và nay, trước sự thay đổi xu hướng du lịch của khách hàng, các công ty du lịch, không còn con đường nào khác, cần phải thay đổi nhanh chóng, nếu không muốn dừng bước trong kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục