Số hóa thúc đẩy du lịch TPHCM phát triển

Nhu cầu và xu hướng du lịch của du khách ngày càng thay đổi, nhất là nhóm khách trẻ. Trước thực tế này, ngành du lịch TPHCM cũng nỗ lực chuyển mình bằng cách tăng cường tính năng cho các ứng dụng (app) du lịch kết nối điểm đến, cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm tham quan, mua sắm…
Các em nhỏ tham quan TPHCM dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9
Các em nhỏ tham quan TPHCM dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9

Quét 3D, tương tác thông minh

Chiều cuối tuần, bà Nguyễn Lan Anh, 74 tuổi (ngụ đường Trần Não, TP Thủ Đức) thong thả lướt thông tin trên chiếc iPad với sự hướng dẫn của đứa cháu nội 9 tuổi. “Con trai tôi cũng đã chỉ đôi lần, giờ có thêm đứa cháu hướng dẫn nên tôi cũng nhớ được các trang du lịch, bản đồ tương tác thông minh, chỉ dẫn đến chợ Bến Thành, Hội trường Thống Nhất, Thảo cầm viên Sài Gòn… Tiện ích, sống động như thật vậy”, bà Lan Anh vui mừng chia sẻ.

Theo Sở Du lịch TPHCM, nhờ công nghệ, các sản phẩm du lịch ở Việt Nam cũng như thế giới cũng dễ dàng cập nhật qua động tác “chạm” tay trên điện thoại, iPad… Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, đánh giá, một trong những thành công nổi bật trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quảng bá du lịch của TPHCM có thể kể đến là việc thực hiện “Ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch”.

Ứng dụng gồm: Ứng dụng công nghệ cao quét 3D tái hiện không gian một phần TPHCM từ trên cao và Bản đồ tương tác thông minh 3D/360 TPHCM đã đem lại hiệu quả đáng kể. Ứng dụng này còn tích hợp thêm thông tin, hình ảnh 3D, 2D của các khu du lịch, di tích lịch sử, điểm du lịch. Thông qua công nghệ thực tế ảo Virtual Reality (VR), ứng dụng cho phép du khách trải nghiệm cảm giác bay trong không gian ảo trên bầu trời TPHCM và tham quan thành phố tầm nhìn trên cao.

Mới đây, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 đường Trần Quang Khải, quận 1) được chính thức ra mắt khiến nhiều người dân, du khách ấn tượng. Em Nguyễn Hoàng Khoa, 15 tuổi, du khách đến từ TP Hà Nội, thích thú chia sẻ: “Được trải nghiệm tour Biệt động Sài Gòn khiến em thực sự háo hức. Lượng kiến thức nạp được cũng nhiều hơn, sinh động hơn so với những gì em từng học, từng xem”.

Trụ sở bảo tàng trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế, cơ sở bí mật của lực lượng biệt động hoạt động dưới vỏ bọc là cơ sở đóng mới xích lô và gia công đồ nội thất. Bảo tàng có các bộ sưu tập hiện vật quý giá gắn với lực lượng biệt động Sài Gòn như các hầm bí mật chứa vũ khí, ém quân; những chiếc xe chiến sĩ biệt động từng sử dụng; vũ khí; vật dụng sinh hoạt gắn với hoạt động của lực lượng biệt động; dụng cụ, đồ nghề sản xuất của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế) trong vỏ bọc nhà thầu khoán; thiết bị thông tin liên lạc…

Ông Trần Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, cho hay, bên cạnh việc tìm kiếm, sưu tầm hiện vật, bảo tàng sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện với định hướng bảo tàng thông minh. Chẳng hạn, toàn bộ dữ liệu được số hóa; sử dụng các công cụ hiện đại như hình ảnh 3D, VR, AR tái hiện các sự kiện quan trọng và không gian liên quan đến biệt động Sài Gòn - Gia Định…

Chìa khóa phát triển du lịch bền vững

Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành tại TPHCM khẳng định, việc hội nhập và phát triển song hành với xu hướng chuyển đổi số của ngành du lịch trong nước được xem như chìa khóa giải quyết bài toán phát triển du lịch bền vững hơn, nâng tầm trải nghiệm cho du khách thông qua điện thoại thông minh. Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng Giám đốc Lữ hành Saigontourist, nhìn nhận, khách có xu hướng tìm hiểu thông tin điểm đến khá kỹ trước khi quyết định lựa chọn sản phẩm. Do đó, chuyển đổi số đã trở thành hướng đi quan trọng của ngành du lịch, không chỉ phục hồi phát triển sau dịch Covid-19, mà còn hỗ trợ hình thành các chiến lược mạnh mẽ trong tương lai.

Thông tin từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, cục đã xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành du lịch để làm khung hướng dẫn chung cho các địa phương, doanh nghiệp nghiên cứu triển khai thống nhất. Bên cạnh đó, cục cũng chủ động hợp tác với các đối tác trong nước cũng như quốc tế triển khai nhiều hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào xúc tiến, quảng bá du lịch. Chẳng hạn, năm 2021, cục phối hợp với Google ra mắt dự án Google Arts & Culture: Kỳ quan Việt Nam. Đây được mệnh danh là bảo tàng số lưu giữ và quảng bá các giá trị tinh hoa văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, du lịch trên toàn cầu. Cũng từ năm 2021, với sự hỗ trợ ban đầu của Google, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã triển khai chương trình truyền thông bằng video clip trên nền tảng số YouTube có chủ đề “Việt Nam: Đi để yêu!”. Cùng với đó là nhiều hoạt động truyền thông, quảng bá mạnh mẽ du lịch Việt Nam trên các website, mạng xã hội phổ biến như Facebook, YouTube, Instagram, Zalo, Viber...

Trao đổi với doanh nghiệp tại cuộc hội thảo du lịch mới đây do TPHCM tổ chức, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà xác định, chuyển đổi số là chìa khóa giúp ngành du lịch giải quyết bài toán phát triển bền vững khi tạo ra không gian số, hạ tầng số (xây dựng nhanh, ít tốn kém hơn so với hạ tầng vật chất), dữ liệu cũng như các xu thế mang lại hiệu quả, năng lực cạnh tranh tốt hơn... Một thế giới siêu kết nối sẽ xóa nhòa khoảng cách về địa lý và kết nối thiên nhiên vào cuộc sống của chúng ta, từ đó tạo ra tài nguyên mới và phương thức quản trị hiệu quả trong phát triển du lịch.

“Chuyển đổi số góp phần nâng cao trải nghiệm du khách, giúp khách xem trước điểm đến đã được số hóa, đặt vé đi lại, khách sạn, được thuyết minh bằng chính thứ tiếng của du khách tại điểm du lịch, thanh toán điện tử…”, Phó Thủ tướng nói về những ưu điểm mà số hóa du lịch mang lại.

Tin cùng chuyên mục