
Hãng AP đưa tin, số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất xảy ra đêm 28-3 tại Indonesia đã lên tới khoảng 1.000 người theo thông báo của chính quyền Sumatra, tính đến thời điểm ngày 30-3-2004. Hiện nay các nhân viên cứu hộ đang khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân còn sống đang bị chôn vùi bên dưới những tòa nhà bị sụp đổ.

Xác các nạn nhân tiếp tục được đào xới từ những đống gạch đổ nát và được đặt khắp sân trước các nhà thờ và thánh đường.
Số người thiệt mạng tiếp tục tăng nhanh. Các quan chức thông báo có khoảng 330 chết vào thứ ba, nhưng sang ngày thứ tư, con số người chết đã là 1.000 người và có thể lên đến 2.000 người vào những ngày tới.
Riêng tại Nias, số nạn nhân thiệt mạng hiện nay là 340 người và hơn 10.000 người không có nơi nương tựa. Trong khi đó tại đảo Simeulue có 100 người thiệt mạng
Tổng thống Bambang Yudhoyono cho biết Chính phủ Indonesia đã quyết định chi 2.000 tỷ Rupiah để đối phó với thiên tai, trong đó có hoạt động cứu trợ các nạn nhân của trận động đất trên.
Ngày 29-3, Hải quân Indonesia đã điều ba chiếc tàu chiến tới đảo Nias nhằm hỗ trợ việc sơ tán và chuyên chở thuốc men, đồ cứu trợ đến các nạn nhân.
Cũng trong ngày, các cơ quan của LHQ đã bắt đầu triển khai nhiều hoạt động cứu trợ nhân đạo nhằm kịp thời hỗ trợ Indonesia khắc phục hậu quả trận động ở ngoài khơi Sumatra. Phát biểu tại trụ sở LHQ, Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đã bày tỏ sự thông cảm và chia buồn với gia đình các nạn nhân của thảm họa thiên tai cũng như với chính phủ Indonesia.
Ông Annan đã cử một nhóm điều phối khắc phục hậu quả thiên tai tới khu vực này nhằm đánh giá cụ thể về mức độ thiệt hại, đồng thời hợp tác với chính phủ Indonesia và các tổ chức khác đẩy nhanh tiến độ cứu trợ nhân đạo. Ông cam kết sẽ tích cực trợ giúp người dân Indonesia trong thời điểm khó khăn này và sẵn sàng tham gia nỗ lực tái thiết, khắc phục hậu quả thiên tai.
Trong khi đó, Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã chuyển 580 kg thiết bị y tế tới đảo Nias và đưa một đội tìm kiếm, cứu nạn tới khu vực này. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cũng cử một nhóm nhân viên mang theo lều bạt cùng trang thiết bị cứu trợ khẩn cấp tới đảo Simeulue nhằm đáp ứng những nhu cầu trước mắt của người dân.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã quyết định điều hai đội công tác tới Nias và Simeulue để đánh giá mức độ thiệt hại. Hiện nay, với lượng lương thực dự trữ trên đảo Sumatra, WFP đã sẵn sàng tham gia nỗ lực cứu trợ ở khu vực mới xảy ra động đất này.
L.Q (Theo AP, TTXVN)