Số nhà lung tung, khó tìm

Tại TPHCM, các vùng ven, đất nông nghiệp dần đô thị hóa, những khu dân cư cũ và mới đan xen nhau. Địa chỉ nhà không được sắp xếp lại khoa học, không đúng quy chuẩn, tạo nên những câu chuyện “cười ra nước mắt” vì số nhà lung tung, khó tìm.
Từ nhà “siêu xuyệt”…

Đường Huỳnh Tấn Phát (kéo dài từ quận 7 sang huyện Nhà Bè) có nhiều nhà trong hẻm mang địa chỉ tới… 7 xuyệt. Tìm đường tới số nhà 1806/127/2/6/15/48/2A, vào hẻm 1806/127 rồi, nhưng chúng tôi không thể tìm được tới địa chỉ nói trên. Hỏi người dân trong hẻm, họ cũng lắc đầu bó tay. Loay hoay tới lui mãi, chúng tôi đành tìm bằng cách lần lượt đi vào tất cả các con hẻm mà mình thấy để loại trừ dần. Cuối cùng, sau khoảng 30 phút tìm kiếm, chúng tôi mới tìm tới được số nhà dài thượt này. 

Anh Đặng Trần Khoa (ngụ nhà số 1806/127/2/15/17/27/1A đường Huỳnh Tấn Phát) than: “Thấy nơi đây không gian đẹp nên gia đình tôi chọn về đây ở, hồi đó đâu biết phiền phức như vầy. Vì số nhà dài như đoàn tàu lửa nên mỗi khi làm giấy tờ, chúng tôi đều phải ghi số thiệt nhỏ mới đủ chỗ. Người dân ở đây rất lo xảy ra sự cố như bệnh hoạn, hỏa hoạn, vì báo địa chỉ sẽ khó tìm được đến nơi”. 

Chị Trần Mai Thanh (ngụ 1806/127/2/6/15/50A Huỳnh Tấn Phát) kể: “Hồi đầu người thân hỏi địa chỉ để qua nhà chơi, thấy tôi đọc số nhà mà hụt cả hơi như con nít tập đọc, mọi người cười quá chừng, ai cũng bảo tưởng đâu ở trong hóc bà tó nào đó chứ không nghĩ ở TPHCM mà có số nhà siêu xuyệt như vậy”.

Ở phường An Lạc (quận Bình Tân) cũng có những căn nhà 6 xuyệt trong hẻm 36/45/32/49/13 nối đường Bùi Tư Toàn với đường Nguyễn Quý Yêm. Đến nỗi việc nhớ được số nhà của mình cũng là một điều khó với người dân trong hẻm này. Ai tới đây sẽ thấy địa chỉ của những con hẻm không theo một thứ tự nào. Chúng tôi đảo qua đảo lại cả chục lần nhưng không thể tìm được địa chỉ nhà trong hẻm nói trên, vì hẻm 36/45/32/49 là hẻm cụt. Cuối cùng, chúng tôi được một người giao gas dẫn đường. Từ hẻm cụt 36/45/32/49 để đến hẻm 36/45/32/49/13, chúng tôi phải vòng hẳn ra đường Bùi Tư Toàn rồi tìm vào hẻm khác lại cũng có cùng địa chỉ. Thì ra con hẻm này là ở phía sau, cách hẻm cụt phía trước một bãi đất trống và một con kênh. 

Anh Trần Văn Tuấn (ngụ đường Lê Cơ, quận Bình Tân) vừa giao gas tới số nhà 36/45/32/49/13/55 đùa rằng mình là người giao gas độc quyền ở khu này, bởi đây là khu nhà không phải ai tìm cũng ra, địa chỉ nhiều số khó tìm, đường vào như ma trận, không quen đường thì chỉ có bỏ cuộc. 

Đến nhà siêu… rối

Những con hẻm sâu hút, dài ngoằng khó tìm đã đành, nhà mặt tiền ở nhiều khu dân cư cũng đánh đố người lạ khi không sắp xếp theo một thứ tự nhất định, hoặc một đường mà có tới 2 - 3 tên hoặc một đường mà bị cắt thành 2 khúc cách xa nhau. Khu dân cư Đồng Diều (phường 4, quận 8) là khu đô thị mới, nhưng quận cũng đặt tên đường và đánh số nhà rất bất hợp lý, nên rất khó tìm địa chỉ. Con đường nhựa nối từ đường Số 5 đến đường 204 Cao Lỗ là đường chính vào khu Đồng Diều nhưng lại không có tên, nhà hai bên đường là nhà mặt tiền nhưng lại đánh số xuyệt không theo quy tắc, nên tìm địa chỉ nhà ở đây rất gian nan. 

Trên đường Quang Trung (phường 10, quận Gò Vấp), nhà số mới, số cũ chồng chéo, lộn xộn. Có nhà ở địa chỉ số 2 nhưng lại nằm cạnh địa chỉ 62; địa chỉ 176 cách 178 gần 100m và nằm giữa nó là số nhà 170... Số nhà trên đường Nguyễn Kiệm cũng “rối như canh hẹ”, các nhà ở cạnh nhau lần lượt có số là 77-135-71-371, cứ như đánh đố người đi tìm. 

Anh Phạm Đức Trường, nhân viên bưu điện, than: “Cứ nhìn địa chỉ khách hàng ở khu Quang Trung, Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) là tôi nản lắm. Tìm số nhà ở đường này như ma trận, một đơn hàng tốn mấy cuộc điện thoại mới tìm được tới đúng địa chỉ”. 

Chị Nguyễn Tuyết Vy (ngụ đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp) cho biết: “Tôi sống ở đây gần 10 năm nay nhưng giờ mà hỏi địa chỉ của hàng xóm thì cũng đành chịu vì có nhà đã xin cấp số mới, có nhà vẫn đề số cũ, rối lắm. Mỗi lần đặt hàng online tôi toàn phải ghi chú thích rất rõ ràng đặc điểm nhà, gần vị trí nào dễ nhận diện, thì mới có thể tìm ra”.

Số nhà trên đường Huỳnh Tấn Phát (huyện Nhà Bè), đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 26, quận Bình Thạnh) cũng vậy. Chị Thanh Thảo (ngụ quận Gò Vấp) kể: “Tôi tìm địa chỉ nhà140/17A Trần Kế Xương, phường 7, quận Phú Nhuận, mà đi hết đường Trần Kế Xương vẫn không thấy, vì số 140 Trần Kế Xương không phải là hẻm. Hỏi người dân thì mỗi người chỉ một kiểu nên tôi mất gần một tiếng đồng hồ mò đường mới tìm thấy địa chỉ. Thì ra một đoạn đường Trần Kế Xương được đổi tên thành Nguyễn Công Hoan nhưng nhà dùng số mới, nhà dùng số cũ nên rất khó tìm”. 
Số nhà lung tung, khó tìm ảnh 1 Một căn nhà “siêu xuyệt” ở đường Huỳnh Tấn Phát (huyện Nhà Bè)
 Đường Số 7 (phường Linh Tây, quận Thủ Đức) bị chia cắt bởi đường Phạm Văn Đồng. Từ đầu đường Số 7, muốn đi tới cuối đường thì phải đi vào đường Phạm Văn Đồng, vòng lên một giao lộ cách đó khoảng gần 200m rồi vòng lại, rẽ trái để tiếp đi vào đường Số 7. Một trục đường ra vào sân bay Tân Sơn Nhất mà có đến 3 tên đường. Đường Trường Sơn chỉ có 1 đoạn khoảng hơn 500m, còn phía đầu Công viên Hoàng Văn Thụ hướng vào sân bay có tên Phan Đình Giót, hướng ra lại là Trần Quốc Hoàn. Chính kiểu rối rắm như vậy khiến người tìm đường rất vất vả. 

Tin cùng chuyên mục