Sáng mùng 5 Tết Nhâm Thìn, dạo quanh các tuyến đường, nhiều sòng bạc trong hẻm nhỏ hay đường lớn vẫn còn hoạt động khá công khai. Cụ thể, trên một đoạn đường Võ Văn Tần, từ ngã tư Bà Huyện Thanh Quan đến Cách Mạng Tháng Tám, có đến 3 sòng bạc. Sòng kín đáo thì “núp” phía sau nhà chờ xe buýt; có sòng không cần che giấu, sát phạt công khai trên hè phố thu hút hàng chục người…
Mấy ngày tết vừa qua, đi đến nhiều khu phố, đường hẻm, tuyến đường cũng thấy rải rác, tấp nập các sòng bạc. Có thể nói không thiếu bất cứ hình thức đỏ đen nào. Từ bầu, cua, cá, cọp cho đến bài cào, xập xám… Các sòng bạc thu hút đủ mọi lứa tuổi, thành phần. Đương nhiên, cờ bạc thì có ăn, có thua và chúng ta không mấy khó khăn để nhận biết những “con cháu của thằng bần”.
Chị Mỹ Lệ, nhà ở đường An Bình, quận 5, cho biết: “Mấy bữa tết, đầu hẻm nhà tôi có sòng bầu, cua, cá, cọp thu hút rất đông người chơi. Họ cãi lộn ì xèo. Còn trong hẻm thì có mấy sòng bạc ở trong nhà. Họ đánh lớn lắm, xe SH, Airblade, máy tính xách tay, Ipad, Iphone… cầm cố lia lịa. Nhưng, mà lạ một điều là ai cũng biết, nhưng không thấy bóng dáng mấy chú bảo vệ dân phố hay công an khu vực giải quyết các sòng bạc này?”.
Cũng gọi là cờ bạc, nhưng nhiều gia đình duy trì nó như một thú vui tiêu khiển mang đậm nét văn hóa dân gian. Ông Nguyễn Văn Quý, 67 tuổi, nhà ở đường Huỳnh Văn Bánh, quận Tân Bình, tâm sự: “Gia đình tôi có truyền thống là mấy ngày tết thì sum họp và cũng có tổ chức đánh bài. Các cụ thì đánh tam cúc, tổ tôm, mấy chị thì đánh tứ sắc, mấy đứa nhỏ thì đánh bài cào hay đổ cá ngựa. Tuy nhiên, chỉ chơi trong gia đình và mức độ ăn thua “gọi là”, có khi chỉ 500 đồng. Coi như lấy hên đầu năm và chỉ chơi đến mùng 3 là nghỉ”.
Đó là chuyện trong gia đình. Còn ở ngoài đường thì xưa nay luôn có câu “cờ gian, bạc lận”. Do vậy, chuyện sát phạt nhau rất lớn và hậu quả của nó cũng khó lường. Từ thua bạc đến cầm cố đồ đạc hay cướp, trộm tài sản là khoảng cách rất ngắn, nếu không khéo thì ngày xuân vui tươi lại trở nên buồn chán.
Đoàn Hiệp