Thu hút đầu tư tiềm năng
Tỉnh Sóc Trăng còn nghèo và có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là Khmer, sinh sống. Để vươn lên, tỉnh đã nỗ lực kêu gọi đầu tư. Những ngày cuối năm 2017 và đầu năm 2018, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng liên tục đón tiếp các nhà đầu tư từ nước ngoài như: Công ty TNHH Banpu Public (Thái Lan), Công ty TNHH Egeres (Singapore), Công ty Dragon Joy International Engineering (Hồng Công)… Các nhà đầu tư cho biết có ý định đầu tư xây dựng nhà máy điện gió, điện mặt trời trên địa bàn khi tỉnh có chiều dài bờ biển khoảng 72km, sức gió trung bình 6-6,2m/s. Đây cũng là một trong những lĩnh vực đầy tiềm năng phát triển của tỉnh. Theo Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, theo quy hoạch đến năm 2030, giai đoạn 1, tỉnh sẽ phát triển các dự án điện gió tại 13 vị trí quy mô, công suất tiềm năng 1.155 MW; giai đoạn 2 quy hoạch phát triển tại 11 vị trí với tổng công suất 315 MW.
Tại các buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư thực hiện dự án. Đồng thời chỉ đạo các sở ngành liên quan tích cực hướng dẫn nhà đầu tư hoàn chỉnh thủ tục có liên quan. Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cho phép triển khai nhiều dự án có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: Dự án Bến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo của Công ty CP Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang, dự án khu sản xuất tôm giống tại xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu) của Công ty CP Thủy sản Việt Úc, dự án Nhà máy may công nghiệp tại phường 7 (TP Sóc Trăng) của Tổng Công ty May Nhà Bè. Vingroup cũng đang khảo sát để xây dựng trung tâm thương mại, Công ty CP Đầu tư và phát triển hạ tầng 620 và Công ty TNHH thương mại tổng họp An Lạc đang thực hiện thủ tục xin đầu tư để thực hiện dự án khu trung tâm thương mại, siêu thị…
Hiện tại, tại Khu công nghiệp An Nghiệp, nhiều công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và hoạt động hiệu quả. Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Khu công nghiệp An Nghiệp có 34 doanh nghiệp thuê đất với 41 dự án đầu tư, trong đó có 25 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, lấp đầy trên 65% diện tích. Các dự án tại đây đã góp phần giải quyết trên 11.600 lao động tại địa phương.
Chú trọng phát triển bền vững
Sở KH-ĐT tỉnh Sóc Trăng cho biết, năm 2017 tỉnh đã tiếp xúc, gặp gỡ và cung cấp thông tin, giới thiệu cơ hội đầu tư cho 121 lượt nhà đầu tư với 148 dự án trong các lĩnh vực như: nông nghiệp, phát triển du lịch, hạ tầng, nhà hàng, khách sạn, năng lượng sạch... (tăng 51% so với cùng kỳ năm trước và đạt trên 240% so với kế hoạch cả năm 2017); cấp quyết định chủ trương đầu tư 22 dự án với tổng vốn đăng ký 3.515 tỷ đồng, trong đó có 1 dự án FDI có số vốn 454 tỷ đồng.
Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Sóc Trăng, cho biết, đang khẩn trương chuẩn bị cho Hội nghị xúc tiến đầu tư và Lễ phát động khởi nghiệp (dự kiến diễn ra vào tháng 4-2018). Đây là một trong những sự kiện rất quan trọng của tỉnh nhằm “kiểm chứng” công tác kêu gọi các doanh nghiệp đến với Sóc Trăng. “Có thể nói, chuyển động thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách của tỉnh bắt đầu từ giữa năm 2016, khi bước sang năm 2017 thì chuyển biến và khởi sắc rất tốt… là tiền đề cho những năm tới”, ông Nghiệp nói.
Theo ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, trong việc chọn lựa nhà đầu tư, Sóc Trăng đã chú trọng đến phát triển bền vững, xanh, sạch, không để ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến sản xuất. Tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt 89 danh mục dự án kêu gọi đầu tư. Ông Trần Văn Chuyện chia sẻ: “Từ lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành đều nhiệt tình tiếp đón và mời gọi các nhà đầu tư. Không chỉ đợi họ đến mà chúng tôi còn đến tận nơi để mời. Sóc Trăng đã và đang trở thành nơi dừng chân của nhiều doanh nghiệp như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Với tín hiệu tích cực từ nhiều dự án lớn, Sóc Trăng hứa hẹn sẽ là một trong những điểm đầu tư mới ở khu vực ĐBSCL”.