
Trong khi vụ tiêu cực tại Bộ GT-VT liên quan đến Ban Quản lý dự án 18 (PMU18) đang được các cơ quan điều tra khẩn trương bóc gỡ, dư luận đặt câu hỏi: tại sao PMU18 lại trở thành một “siêu ban”, sản sinh ra “con bạc triệu đô”, những cán bộ thoái hóa, biến chất đến như vậy? Và cơ chế ban quản lý dự án tương tự như PMU18 với những “khoảng trống pháp lý” vì sao lại được hình thành và tồn tại?
- Chân dung một “siêu ban”
“Siêu ban” là mỹ từ được dành cho PMU18, nơi mà chỉ sau hơn 10 năm hoạt động đã “ôm” được 20 dự án khác nhau với số vốn lên đến gần 33.000 tỷ đồng. PMU18 được thành lập theo Quyết định số 1675 ngày 23-8-1993 của Bộ GT-VT. Theo một số cán bộ công tác ở Bộ GT-VT thời đó, PMU18 vốn được tách ra từ PMU1, ban đầu được giao nhiệm vụ quản lý việc xây dựng mới, nâng cấp đường và các công trình trên tuyến quốc lộ 18.
Tổng giám đốc đầu tiên của PMU18 chính là ông Nguyễn Việt Tiến. Tháng 4-1998, ông Nguyễn Việt Tiến được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ GT-VT, toàn bộ công việc quản lý PMU18 được bàn giao cho Bùi Tiến Dũng, vốn được coi là “đệ tử ruột” của ông Tiến.
Khi ông Tiến lên làm Thứ trưởng Bộ GT-VT, PMU18 liên tục được giao làm chủ đầu tư hàng loạt dự án lớn. Điển hình là dự án các cầu trên quốc lộ 1 giai đoạn 2 với tổng vốn 2.122 tỷ đồng; khôi phục các cầu quốc lộ 1 giai đoạn 3 có tổng vốn 1.485 tỷ đồng; dự án giao thông nông thôn 2 vốn 2.439 tỷ đồng; dự án quốc lộ 10 có tổng vốn trên 4.000 tỷ đồng; dự án cầu Bãi Cháy vốn trên 3.000 tỷ đồng, dự án xây dựng quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên có vốn 3.523 tỷ đồng... Hàng năm, PMU18 giải ngân 2.000 - 2.500 tỷ đồng và được xếp hạng “siêu ban” không chỉ riêng trong Bộ GT-VT mà đối với cả các ban quản lý dự án của những ngành khác trong cả nước.
- Vì sao có các “siêu ban”?

Điều đáng nói là tại Bộ GT-VT không chỉ có một PMU18 mà có đến 10 PMU khác. Cũng là quyết định thành lập các PMU có tính chất như nhau là quản lý các dự án của ngành GT-VT, nhưng với PMU1 là “tổ chức kinh tế”, với PMU18 là “đơn vị sự nghiệp kinh tế”, với PMU Thăng Long lại là “cơ quan quản lý Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản các dự án do Bộ GT-VT ủy quyền”, với PMU đường Hồ Chí Minh thì lại là “đơn vị sự nghiệp có thu”… Và tất cả PMU này đều ra đời trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 16/2005 hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng.
Theo nghị định này, khi kết thúc mỗi dự án thì các PMU phải giải thể. Trong trường hợp được giao dự án khác, PMU phải được bổ sung, thay đổi nhiệm vụ hoặc phải có quyết định thành lập lại. Với các PMU của Bộ GT-VT thì khác. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết PMU được thành lập gắn với một dự án cụ thể (chẳng hạn PMU1 gắn với dự án quốc lộ 1, PMU5 gắn với dự án quốc lộ 5, PMU Thăng Long gắn với dự án cầu Thăng Long, PMU Mỹ Thuận gắn với dự án cầu Mỹ Thuận...), nhưng khi các dự án kết thúc, các PMU tiếp tục được giao thêm nhiều dự án khác.
Và các “siêu ban” dần hình thành. Bàn về vấn đề này, ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam từng bức xúc: ‘’Các PMU thường nhiều quyền, ít trách nhiệm!”. Với các dự án thông thường, lâu nay các đơn vị trực tiếp quản lý sử dụng sản phẩm của dự án mới có thể làm chủ đầu tư. Nhưng với các dự án giao thông, chức năng chủ đầu tư lại được giao cho các PMU - nơi không phải là đơn vị sử dụng kết quả đầu tư. Điều này dẫn đến hệ quả, chất lượng công trình sau khi bàn giao có vấn đề gì thì các PMU cũng không phải chịu trách nhiệm.
- Chuyển đổi các PMU sang mô hình doanh nghiệp
Trước những diễn biến mới của vụ PMU18, nhiều chuyên gia kinh tế, xây dựng và đầu tư cho rằng Nhà nước cần sớm xem xét việc chuyển đổi các PMU sang mô hình khác. Theo ông Phạm Sĩ Liêm, trước mắt, tất cả các PMU hiện có của Trung ương và địa phương, ngay trong năm 2006 này cần phải chuyển đổi thành công ty tư vấn quản lý dự án vì chỉ khi đó, bản chất của các PMU mới rõ ràng. Theo ông Liêm, việc chuyển đổi PMU sang mô hình doanh nghiệp đã được Trung Quốc thực hiện cách đây 10 - 15 năm.
Được biết, Bộ trưởng Bộ GT-VT cũng đã yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ dự thảo văn bản trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi các PMU của bộ thành các doanh nghiệp tư vấn quản lý dự án. Trong trường hợp được Thủ tướng chấp nhận, Bộ GT-VT sẽ tiến hành ngay việc chuyển đổi mô hình quản lý dự án từ các PMU thành các công ty tư vấn quản lý dự án. Tuy nhiên, dù mô hình này có được chuyển đổi, dư luận cho rằng các cơ quan chức năng cần làm rõ tại sao các PMU của Bộ GT-VT lại có thể “lách” được cơ chế pháp lý để hình thành và tồn tại, trở thành các “siêu ban”? Và ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi các “siêu ban” làm thất thoát vốn Nhà nước, sản sinh ra “con bạc triệu đô” như Bùi Tiến Dũng?
NGUYÊN THANH