Theo ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, dịp trước, trong và sau tết là thời điểm nhạy cảm, dễ xảy ra các tranh chấp lao động tập thể liên quan đến việc nợ lương, thưởng, nợ bảo hiểm xã hội. Cuối năm cũng là thời điểm có khả năng xảy ra việc các doanh nghiệp thuê máy móc, nhà xưởng, trang thiết bị đến hạn trả mặt bằng và không có nhu cầu duy trì sản xuất. Do đó, cán bộ công đoàn cơ sở cần kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng công nhân lao động, cũng như kịp thời thông tin về những doanh nghiệp có nguy cơ nợ lương, thưởng, thu hẹp sản xuất, bỏ trốn, để có hướng xử lý một cách tốt nhất nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động.
Ông Vũ cho rằng, cán bộ công đoàn tại cơ sở phải chủ động giám sát tình hình, tham gia cùng chủ doanh nghiệp để xây dựng phương án chi trả lương, thưởng, các khoản phúc lợi khác và sớm công khai đến công nhân lao động.
Từ đầu năm 2019 đến nay, tại TPHCM đã xảy ra 12 vụ ngừng việc tập thể với 3.342 người tham gia. Nguyên nhân chủ yếu do người sử dụng lao động chưa thực hiện đúng cam kết về lương, nợ bảo hiểm xã hội, không triển khai lương thưởng tết cho người lao động.
Để tránh xảy ra tranh chấp lao động tập thể trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, LĐLĐ TPHCM đề nghị công đoàn cấp trên cơ sở cần phối hợp với Bảo hiểm xã hội, cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại địa phương rà soát, lập danh sách các doanh nghiệp đang khó khăn, nợ bảo hiểm xã hội, thường xuyên chậm trả lương, đang nợ lương người lao động, không có khả năng chi trả lương, thưởng tết, để kịp thời tìm hướng giải quyết, hỗ trợ. Chậm nhất danh sách phải được gửi về LĐLĐ TPHCM trước ngày 20-12-2019.