Sớm đặt biển báo và đèn tín hiệu trên “cung đường đen”

Không phải đến khi xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc tối thứ sáu, ngày13-3 người ta mới bắt đầu nghĩ đến sự an toàn cho người và phương tiện giao thông, mà sự thật đoạn qua đèo Đại Ninh đã tồn tại một “cung đường đen” như cách gọi của ngành GTVT.

Con đường công vụ chạy từ ngã ba Tà In (Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) qua Nhà máy thủy điện Đại Ninh (đến ngã ba Lương Sơn huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận) dài khoảng 60km, được đưa vào sử dụng từ hơn 5 năm qua, chủ yếu phục vụ cho quá trình thi công công trình thủy điện – thủy lợi Đại Ninh. Cấp đường tương đương cấp 4 miền núi với phần mặt đường trải nhựa khoảng 4-6m (tùy theo đoạn).

Con đường nối với quốc lộ 1 bên phía Bình Thuận và quốc lộ 20 phía Lâm Đồng, đã rút ngắn lộ trình từ Phan Thiết đi Đà Lạt khoảng 130km so với 280 km nếu đi theo trục cũ (qua Phan Rang – Tháp Chàm), nên ngay từ khi dự án thủy điện Đại Ninh chưa hoàn thành, nhiều loại phương tiện đã chọn tuyến đường này thay cho tuyến cũ. Ông Hứa Văn Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, cho biết đã có công văn gửi Ban Quản lý dự án Thủy điện 6 (Tập đoàn Điện lực VN) về việc đề nghị bàn giao con đường cho 2 tỉnh quản lý, sử dụng nhưng phía chủ đầu tư vẫn lặng thinh.

Vì vẫn chỉ là đường công vụ nên không hề có biển báo, biển chỉ dẫn giao thông hay gương cầu an toàn tại các cua khuất, trong lúc đường có nhiều đoạn dốc, hiểm trở nằm giữa địa phận hai tỉnh. Và vụ TNGT xảy ra tối 13-3 đã như một lời cảnh báo muộn màng đến các ngành chức năng trung ương và địa phương, nhất là Bộ GTVT và Tập đoàn Điện lực VN.

Theo một kỹ sư đã làm việc 3 năm ở Công ty Thủy điện Đại Ninh: Chỉ trong hơn 1 năm qua trên “cung đường đen” dài khoảng 400m - 500m chạy qua dốc Lò Xo, núi Chẻ Đôi này đã xảy ra 2 vụ TNGT và vụ gần nhất mới cách đây hơn một tháng, giữa hai xe 7 chỗ và 12 chỗ làm 2 người thiệt mạng và chỉ cách điểm xe rơi xuống vực hôm 13-3 hơn 200m!

Sau khi công trình thủy điện hoàn thành, lưu lượng xe qua lại ngày càng gia tăng, xe tải hạng nặng đi qua làm đường sá xuống cấp, nhất là đoạn từ ngã 3 Lương Sơn đến đèo Đại Ninh. Trước mắt, Ban Quản lý dự án Thủy điện cần phối hợp với ngành GTVT 2 tỉnh nhanh chóng lắp đặt hệ thống các biển báo, đèn tín hiệu, gương an toàn giao thông trên đèo, nhất là đoạn qua “cung đường đen” để hạn chế thấp nhất TNGT cho người và xe lưu thông qua lại.

Mặt khác, qua quan sát thì hầu như người dân địa phương khi đi xe máy trên con đường này rất ít đội nón bảo hiểm, vì hầu như chẳng có cảnh sát giao thông tuần tra, nên TNGT nghiêm trọng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

VĂN PHONG

Tin cùng chuyên mục