Chiều 11-12, phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc. Trước đó, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo nghị quyết ban hành quy chế làm việc của UBTVQH; cho ý kiến về việc đàm phán và trao đổi công hàm thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
UBTVQH cũng đã nghe và thảo luận, đánh giá kết quả kỳ họp thứ 10 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIII; cho ý kiến dự thảo nghị quyết về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của ban thư ký và Văn phòng Quốc hội.
Đa số ý kiến tại phiên họp đồng tình với báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 10 của Quốc hội. Theo đó, với tinh thần đổi mới, dân chủ, trách nhiệm cao, kỳ họp đã thành công tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ làm việc 12,5 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21-3-2016 và bế mạc vào ngày 6-4-2016.
Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, bao gồm: Luật Tiếp cận thông tin; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật Dược (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). Dự kiến Quốc hội sẽ dành 1 ngày để cho ý kiến về dự án Luật Biểu tình. Bên cạnh đó, các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác được dành 7,5 ngày. Các báo cáo sẽ được gửi để đại biểu Quốc hội tham khảo gồm công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác bảo vệ môi trường; việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết, việc chuẩn bị dự án Luật Biểu tình hiện còn một số điểm vướng. Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình luật này và đưa dự án Luật Cảnh vệ vào chương trình.
Góp ý về chương trình dự kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và một số ý kiến trong UBTVQH đề nghị dành thời gian dự phòng cho việc xem xét, phê chuẩn Hiệp định TPP. Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương đề nghị bổ sung vào chương trình việc xem xét sáng kiến lập pháp (dự án Luật Hành chính công) của ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh. Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu Chính phủ nỗ lực cao để hoàn thiện, trình dự án Luật Biểu tình để Quốc hội cho ý kiến lần đầu theo đúng chương trình xây dựng pháp luật. Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng khẳng định, dự án Luật Cảnh vệ nếu hoàn thiện kịp cũng sẽ phải làm đúng quy trình thẩm định, thẩm tra. Tương tự như trên đối với sáng kiến pháp luật về dự án Luật Hành chính công.
ANH THƯ