Thành công trong vận hành Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn tại tỉnh Hà Giang, việc sớm xây dựng bộ tiêu chí và quy trình công nhận Công viên Địa chất quốc gia… là những nội dung được nêu bật tại hội thảo “Xây dựng mạng lưới Công viên Địa chất quốc gia và mô hình quản lý công viên địa chất tại Việt Nam” tổ chức ngày 18-6 tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Hội thảo thu hút sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ngành, địa phương trên cả nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, nhận định: Từ khi được thành lập và được UNESCO công nhận, Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại Hà Giang, đặc biệt là phát triển du lịch và cơ sở hạ tầng gắn với du lịch. Trong các cuộc gặp gỡ của Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới cũng như các cuộc họp của UNESCO về chủ đề công viên địa chất toàn cầu, mô hình phát triển xóa đói giảm nghèo thông qua vận hành công viên địa chất toàn cầu của Hà Giang thường được nhắc tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết: Cao nguyên đá Đồng Văn được gia nhập Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu vào tháng 10-2010. Đây là công viên địa chất thứ hai trong số 3 công viên của khu vực Đông Nam Á được công nhận và là công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam. Bên cạnh các giá trị di sản địa chất, địa mạo, kiến tạo và đa dạng sinh học cấp quốc gia và quốc tế, Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn còn chứa đựng kho tàng văn hóa phong phú của 17 dân tộc. Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển công viên địa chất còn gặp phải những thách thức về biến đổi khí hậu, tác động của thiên nhiên và con người… do đó đã ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo tồn các giá trị di sản trên công viên địa chất.
Hội thảo này nhằm phổ biến bài học kinh nghiệm của Hà Giang trong triển khai các biện pháp phát triển công viên địa chất phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn di sản, thiên nhiên và phát triển bền vững. Đây cũng là diễn đàn thúc đẩy trao đổi và tăng cường phối hợp liên kết liên ngành, liên lĩnh vực nhằm triển khai quản lý hiệu quả công viên địa chất toàn cầu; đồng thời đóng góp cho việc quản lý các loại hình danh hiệu khác của UNESCO tại Việt Nam.
NGỌC MINH