Sớm xây dựng mạng lưới vận tải công cộng kết nối metro: Kế hoạch đã có nhưng chờ… thực thi

Hiện tuyến metro số 1 Suối Tiên - Bến Thành đã hoàn thiện hơn 90% và dự kiến sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động trong năm 2023. Từ nhiều năm trước, TPHCM đã có kế hoạch xây dựng hệ thống xe buýt kết nối với tuyến metro này, nhưng đến nay trên thực tế vẫn khá mờ nhạt.

Chỗ có, chỗ không

Ngoại trừ đoạn tuyến metro bắt đầu từ nhà ga Bến Thành đến cầu Sài Gòn đã có khá nhiều bến bãi đậu xe, tuyến xe buýt kết nối, còn lại từ cầu Sài Gòn đến ga cuối Long Bình chưa có hạ tầng cần thiết để phục vụ việc kết nối giữa 2 phương tiện này. Đơn cử, xung quanh ga Tân Cảng (dưới chân cầu Sài Gòn, quận Bình Thạnh) không có trạm dừng, nhà chờ xe buýt.

Sớm xây dựng mạng lưới vận tải công cộng kết nối metro: Kế hoạch đã có nhưng chờ… thực thi ảnh 1 Một góc nhìn từ khu đông TPHCM

Theo chị Thanh Thủy, một cư dân quận Bình Thạnh, vỉa hè các tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Trọng Kim xung quanh ga Tân Cảng chỗ thì xuống cấp, chỗ bị lấn chiếm hết nên hiện tại người dân muốn đi bộ tới các trạm xe buýt rất khó chứ chưa nói đến khi tuyến metro đi vào vận hành. Nếu tình hình không thay đổi, chắc chắn người dân sẽ khó tiếp cận metro. 

Dọc theo xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức), ga An Phú, ga Thảo Điền có nhà chờ xe buýt ngay dưới ga. Tuy nhiên, bên phía đường song hành xa lộ Hà Nội lại không có trạm dừng hoặc nhà chờ xe buýt. Đã vậy, từ phía đường song hành, muốn qua các ga metro, người dân phải vượt qua xa lộ Hà Nội - tuyến đường với hơn 10 làn xe.

Nhiều chuyên gia đã từng góp ý phải xây cầu vượt qua xa lộ Hà Nội cho những người dân ở phía đường song hành tiếp cận với các ga metro, thế nhưng không hiểu sao chưa thấy có cây cầu nào được xây dựng. Đáng nói, người dân sinh sống phía đường song hành rất đông. Chưa kể, nhiều khu dân cư mới mà TPHCM đang dự định xây dựng cũng nằm ở bên phía đường song hành. 

Còn tại ga Phước Long, tuy có nhà chờ xe buýt cách ga metro chỉ hơn 100m nhưng xung quanh dân cư rất thưa thớt. Khu dân cư đông đúc lại nằm chủ yếu bên kia đường và từ đó cũng không có cầu vượt bộ hành để người dân đi qua.

Sớm xây dựng mạng lưới vận tải công cộng kết nối metro: Kế hoạch đã có nhưng chờ… thực thi ảnh 2 Nhà ga số 9 ga Phước Long, tuyến metro số 1. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tại ga Rạch Chiếc, đến thời điểm này chưa thấy có trạm dừng, nhà chờ xe buýt dù nơi đây có nhiều tuyến xe buýt đi qua để hành khách có thể tiếp cận với metro. Tương tự, tại các ga Khu công nghệ cao, ga Thủ Đức, ga Bình Thái cũng chưa có cầu bộ hành để người dân thuận tiện đi metro. 

Chờ metro hoàn thành?

Lý giải về việc hạ tầng giao thông công cộng kết nối tới các nhà ga metro còn thiếu, chưa đồng bộ, đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết, hiện nay, các vị trí đất làm bãi giữ xe, nhà chờ xung quanh các ga metro đã có. Tuy nhiên, để tránh tình trạng lãng phí vì đầu tư sớm, thiết bị hư hỏng, sở chưa tiến hành đầu tư các công trình này. Các hạng mục này sẽ được xây dựng đồng bộ với tuyến metro.

Ở góc độ là Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM (gọi tắt là Trung tâm), bà Nguyễn Thị Dạ Thảo, Giám đốc Trung tâm, cho biết, thành phố đang ưu tiên mở rộng mạng lưới tuyến xe buýt kết nối đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông.

Trên tinh thần đó, Trung tâm đã lập dự án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga metro số 1. Dự án đã được cấp thẩm quyền chấp thuận và sẽ được thực hiện từ năm 2022-2024. 

Bà Nguyễn Thị Dạ Thảo cũng cho hay, Trung tâm sẽ xây dựng 2 bãi đậu xe buýt và 5 bãi đậu xe cá nhân tại nhà ga Văn Thánh, ga Thảo Điền, ga Rạch Chiếc, ga Phước Long và ga Bình Thái.

Cụ thể, một bãi đậu xe ở ga Văn Thánh rộng 1.596m2 dành cho xe buýt lưu đậu và một bãi đậu xe cá nhân rộng 770m2. Ga Thảo Điền xây dựng một nhà chờ, một bãi đậu xe cá nhân với diện tích khoảng 1.000m2. Ga An Phú xây dựng các trạm dừng xung quanh khu vực dành cho xe buýt. Ga Rạch Chiếc xây dựng bãi đậu xe cá nhân với diện tích khoảng 1.500m2 trên dải đất ven xa lộ Hà Nội.

Ga Phước Long xây dựng bãi đậu xe cá nhân với diện tích 1.000m2 cũng trên dải đất ven xa lộ Hà Nội. Ga Bình Thái xây dựng bãi đậu cho xe buýt tại khu đất trống giữa xa lộ Hà Nội và đường song hành rộng khoảng 3.000m2 và bãi đậu xe cá nhân với diện tích 1.000m2.

Trung tâm cũng xây dựng các lối đi bộ có mái che từ nhà chờ xe buýt trên vỉa hè xa lộ Hà Nội đến chân cầu vượt bộ hành; di dời, xây mới các trạm dừng, nhà chờ xe buýt phù hợp với các ga. Các bãi đậu xe, nhà vệ sinh sẽ xây dựng ngay dưới chân cầu vượt bộ hành. 

Hiện nay, các cầu vượt bộ hành (qua xa lộ Hà Nội) đang chờ điều chỉnh lại thiết kế.

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM vừa tổ chức chạy thử đoàn tàu thuộc tuyến metro số 1, vận hành trên đường ray W1 trong Depot Long Bình. Tuyến metro số 1 có tổng chiều dài 19,7km, gồm 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao. Toàn tuyến được thiết kế 14 ga: 3 ga ngầm, 11 ga trên cao và depot Long Bình. Tuyến metro số 1 có tổng cộng 17 đoàn tàu, mỗi đoàn gồm 3 toa xe, tốc độ thiết kế 80-110km/giờ.

Tin cùng chuyên mục