Bài thơ Sóng quanh ta của tác giả Phan Trọng Tảo trong tuyển tập thơ – văn “Cảnh sóng” của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh ấn hành năm 2002 có câu: Sóng cáp quang vút lên trời, sai về kỹ thuật truyền dẫn viễn thông. Sóng gồm: sóng vô tuyến vô hướng (như sóng đài phát thanh, đài truyền hình, ra đa, điện thoại di động…) và vô tuyến định hướng (như vệ tinh địa tĩnh, vi ba băng rộng và băng hẹp…).
Còn sóng cáp quang thuộc hệ thống hữu tuyến (truyền trong đường dây). Ruột của cáp quang là sợi thủy tinh tinh khiết, phải đạt đến tỷ lệ tạp chất gần như bằng 0 thì sóng truyền đi trong sợi quang dài hàng vạn kilômét vẫn không bị yếu. Sóng thông tin (tần số sóng) được truyền theo nguyên lý khúc xạ quang học, mỗi tần số sóng có một góc tới khác nhau. Nhờ vậy mà chỉ một sợi thủy tinh rất nhỏ, cỡ milimét nhưng tải được hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng vạn tần số khác nhau, thay cho hàng trăm sợi cáp kim loại mà mỗi sợi có từ 500 – 1.000 đôi. Vậy là, “sóng cáp quang” nó chỉ tung tăng suốt chiều dài sợi thủy tinh chứ làm sao xuyên qua lớp vỏ bọc bảo vệ rất dày mà “vút lên trời” được. Nhà thơ muốn cho nó “vút lên trời” thì hãy dùng “sóng vệ tinh” hoặc “sóng vi ba”.
SĨ THIỆN
Chú thích ảnh sai
Đọc báo Đại đoàn kết số 46 (tháng 9-2007) thấy có một tấm ảnh được chú thích: Lễ hội Katê của người Khmer ở Sóc Trăng. Xem kỹ, đúng người trong ảnh là bà con người Khmer, nhưng nói đây là lễ hội Katê thì sai.
Xin kể một số lễ hội của người Khmer theo truyền thống dân gian: lễ vào năm mới (chôl chnam thmây), lễ cúng ông bà (sen đôn ta), lễ cúng trăng (đút cốm dẹt hay ok om bok), lễ đua ghe (um tuk)… Ngoài ra còn các lễ hội tôn giáo như lễ Phật đản, lễ nhập hạ, lễ xuất hạ, lễ đặt cơm vắt, lễ dâng y cà sa… Còn lễ hội Katê là của người Chăm, hiện nay bà con sống chủ yếu ở Ninh Thuận, Bình Thuận và An Giang.
HOÀNG TÚ
Nên thuyết minh chính xác hơn
Bộ phim “Truyền thuyết Ju-mông” đã khép lại với một kết cuộc làm hài lòng người xem. Tuy nhiên về phần thuyết minh có điều chưa ổn khi các hoàng tử Đê-sô, Ju-mông, Ân-phô xưng hô với nhau là “sư huynh, sư đệ”. Trong tiếng Việt, từ Hán – Việt “sư” nghĩa là thầy, do vậy khi các bạn đồng môn, học cùng thầy gọi nhau là “sư huynh, sư đệ”. Còn trong tình huống này là các hoàng tử anh em với nhau phải gọi nhau là “hoàng huynh, hoàng đệ” mới đúng.
NGỰ TÂM