Sốt ruột với trụ nước cứu hỏa

Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TPHCM, không khỏi sốt ruột khi nhắc tới nước cứu hỏa. Bởi lẽ, thủ tục giấy tờ không chỉ rắc rối thời điểm bàn giao mà còn lằng nhằng bội phần ở khâu duy tu, sửa chữa.
TPHCM đã và đang từng bước nỗ lực đảm bảo nguồn nước “cứu hỏa” trên toàn địa bàn
TPHCM đã và đang từng bước nỗ lực đảm bảo nguồn nước “cứu hỏa” trên toàn địa bàn

Trong những năm qua, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên (Sawaco) không ngừng tập trung phát triển mạng lưới đường ống và điều tiết hệ thống cấp nước nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng yếu hoặc thiếu nước phục vụ chữa cháy. TPHCM cơ bản đảm bảo nguồn nước phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy. Dù vậy, nguồn nước cứu hỏa trên địa bàn tồn tại không ít vướng mắc cần giải cứu.  

Lằng nhằng thủ tục

Song hành với phát triển hệ thống đường ống cấp nước, Sawaco lắp đặt hơn 8.600 trụ nước chữa cháy. Lãnh đạo Sawaco nhìn nhận tình trạng nước chữa cháy yếu, thiếu xảy ra cục bộ ở một số vị trí cuối nguồn tại huyện Bình Chánh (TPHCM). Cơ quan chức năng đôi lúc lâm vào hoàn cảnh “bất khả kháng” khi tiến hành bàn giao trụ nước chữa cháy. 

Nếu trụ nước hiện hữu không có đủ hồ sơ, chưa kịp bàn giao thì việc bàn giao sẽ thực hiện dựa trên hiện trạng. Với sự chứng kiến và ghi nhận giữa các bên liên quan, cơ quan chức năng lập biên bản bàn giao hiện trường. Đối với trụ nước lắp đặt theo dự án có đầy đủ hồ sơ, Cảnh sát PCCC-CNCH (Công an TPHCM) kiểm tra, lập biên bản thi công, biên bản nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng. Song, hồ sơ bàn giao hiện nay chỉ gồm biên bản nghiệm thu đưa vào sử dụng. Đáng nói, công tác sửa chữa trụ nước cứu hỏa đã bàn giao bị hư hỏng cũng như di dời, nâng trụ khi có công trình hạ tầng mới vẫn trong tình trạng ì ạch. 

Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TPHCM, không khỏi sốt ruột khi nhắc tới nước cứu hỏa. Bởi lẽ, thủ tục giấy tờ không chỉ rắc rối thời điểm bàn giao mà còn lằng nhằng bội phần ở khâu duy tu, sửa chữa. Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng cho biết, hiện thành phố có đến 515 trụ cứu hỏa hạn chế lấy nước, 495 trụ bị hư hỏng; công tác khắc phục chưa hoàn thiện vì phải chờ kinh phí. 

“Cảnh sát PCCC-CNCH Công an TPHCM đã có văn bản trình Sở Tài chính TPHCM về việc ứng tiền sửa chữa trụ nước cứu hỏa hư hỏng. Sở Tài chính đề nghị chúng tôi liên hệ Sở KH-ĐT để được hướng dẫn bổ sung nội dung. Sau đó, Sở KH-ĐT hướng dẫn rằng, do sáp nhập lực lượng nên Công an TPHCM có trách nhiệm tiếp quản trụ nước cứu hỏa rồi lập hồ sơ, báo cáo đề xuất và gửi các ban ngành tổ chức thẩm định…”, Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng cho biết. 

Gỡ rối từng bước

Dù đối mặt nhiều vấn đề nan giải nhưng cơ quan chức năng tại TPHCM không ngừng nỗ lực duy trì, bảo vệ hệ thống, hạ tầng cung cấp nước phục vụ phòng cháy chữa cháy. Thời gian tới, Sawaco tiếp tục đảm bảo công suất cấp nước phù hợp với tốc độ phát triển mạng lưới và sự gia tăng nhu cầu sử dụng nước, đảm bảo năng lực dự phòng nguồn nước cứu hỏa. Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc Sawaco luôn tối ưu chế độ dự phòng, phân phối nước trên hệ thống cấp nước nhằm cải thiện và đáp ứng áp lực và lưu lượng khi cần nước cứu hỏa. Sawaco đã và đang nghiên cứu sơ bộ tiến tới đề xuất xây dựng các bể chứa nước phân phối trung gian, các trạm bơm tăng áp trên mạng lưới cấp nước để phân phối nước cho các khu vực, điều hòa áp lực, lưu lượng tối ưu cho từng khu vực và đảm bảo an toàn cấp nước. Tuy nhiên, cơ sở triển khai thực hiện kế hoạch trên cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch cấp nước. 

Riêng việc lắp đặt bổ sung trụ nước chữa cháy sử dụng nguồn vốn ngân sách, Sawaco đề nghị Cảnh sát PCCC-CNCH chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan xác định vị trí, số lượng trụ cần lắp đặt trên từng quận, huyện. Từ đó, các bên có cơ sở thực hiện những thủ tục pháp lý liên quan. Song song đó, Sawaco đề nghị Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an TPHCM làm đầu mối các thủ tục bàn giao, tiếp quản trụ nước cứu hỏa. Đại diện Sawaco khẳng định: “Các đơn vị trực thuộc Sawaco cam kết phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra, rà soát trụ nước chữa cháy trên địa bàn. Khi phát hiện sự cố cháy nổ hoặc nhận thông báo từ cảnh sát PCCC, mọi đơn vị trực thuộc luôn sẵn sàng, chủ động điều tiết mạng lưới cấp nước nhằm đảm bảo nguồn nước cung cấp kịp thời cho công tác chữa cháy”. 

Bàn về vấn đề xây dựng điều kiện hạ tầng phục vụ PCCC, đại biểu HĐND TPHCM Thi Thị Tuyết Nhung bày tỏ nhiều lo ngại. Giai đoạn 2016-2020, TPHCM có kế hoạch đầu tư 10.300 trụ nước cứu hỏa mới. Thế nhưng, đến nay cơ quan chức năng chỉ lắp hơn 1.000 trụ. “Như vậy, còn hơn 5.700 trụ. Bao giờ TPHCM mới hoàn thành mục tiêu? Bức xúc không kém là tình trạng chủ đầu tư không nâng cấp trụ nước cứu hỏa đồng bộ với thi công, cải tạo công trình hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Vì vậy, nhiều trường hợp trụ nước thấp hoặc bị lấp hoàn toàn. Việc này gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung cấp nước chữa cháy nếu xảy ra sự cố. Tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ rõ, công khai địa chỉ chủ đầu tư mắc sai phạm như trên. TPHCM cần có biện pháp xử phạt cụ thể, nghiêm khắc”, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung đề xuất. 

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Công an TPHCM Nguyễn Thanh Hưởng cho rằng, chủ đầu tư muốn phát triển kinh doanh bền vững thì cần ý thức về tầm quan trọng của công tác PCCC, trong đó có nguồn nước cứu hỏa. Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng mong rằng tất cả sở ngành, cơ quan quản lý chung tay gỡ rối, tìm lối ra kinh phí sửa chữa, duy tu trụ nước cứu hỏa.

Theo dự án Quy hoạch PCCC đến năm 2025, TPHCM sẽ lắp đặt mới và bổ sung 19.000 trụ nước chữa cháy; quy hoạch để lấy nước cho xe chữa cháy tại các bờ sông, kênh rạch. Đối với các địa điểm thường xuyên tổ chức lễ hội tập trung đông, TPHCM tiến hành ngầm hóa trụ nước chữa cháy. Tổng kinh phí đầu tư dự kiến hơn 8.100 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục