Số người mắc và tử vong do sốt xuất huyết (SXH) liên tiếp tăng cao khiến nhiều bệnh viện (BV)quá tải, người dân vô cùng lo lắng. Để làm rõ hơn về tình hình dịch SXH, công tác điều trị, đặc biệt là các biện pháp nhằm hạn chế số người tử vong, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), xung quanh vấn đề này.
- PV: Ông có thể cho biết nguyên nhân vì sao số người mắc và tử vong do SXH liên tục tăng cao trong thời gian gần đây?
- PGS-TS LƯƠNG NGỌC KHUÊ: Qua kiểm tra về tình hình dịch bệnh SXH vào tuần qua cho thấy, dịch SXH đang gia tăng số người mắc và tử vong, nhất là khu vực phía Nam, đặc biệt là tại tỉnh Bình Dương (địa phương có số ca tử vong do SXH nhiều nhất). Nguyên nhân khiến cho dịch SXH tăng cao tại khu vực này là đã vào mùa mưa - điều kiện thuận lợi để muỗi gây bệnh phát triển. Hơn nữa tại nhiều rừng cao su ở khu vực phía Nam, mỗi cây cao su phía dưới gốc đều có một chiếc bát nhỏ để lấy mủ, khi mùa mưa tới thì đây lại trở thành những ổ lăng quăng sinh ra muỗi truyền SXH, đe dọa sức khỏe của nhiều công nhân. Cùng với đó, số ca tử vong gia tăng là do không ít trường hợp mắc SXH nhưng được đưa tới cơ sở y tế muộn, tự ý sử dụng thuốc điều trị tại nhà. Bên cạnh đó, việc vận chuyển bệnh nhân SXH trong tình trạng nặng từ tuyến dưới lên tuyến trên điều trị cũng chưa đảm bảo được các yêu cầu đề ra.
- Trước số người mắc SXH đang tăng nhanh, để hạn chế số ca tử vong, các bệnh viện cần phải làm gì?
- Chúng tôi đã yêu cầu các bệnh viện thực hiện nghiêm công tác chuyển viện đối với bệnh nhân SXH. Đặc biệt các bệnh viện tuyến cuối của hệ thống điều trị SXH (như: BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, BV Nhi Trung ương, BV Đa khoa Trung ương Huế, BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2...) phải tích cực, chủ động trong công tác tập huấn, chỉ đạo tuyến và hỗ trợ các cơ sở khám bệnh chữa bệnh tuyến dưới theo khu vực đã được phân công. Tổng hợp các trường hợp tử vong, phân tích nguyên nhân tử vong, tổ chức rút kinh nghiệm và phổ biến kịp thời nhằm hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. Đồng thời, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc men và trang thiết bị máy móc phục vụ việc chẩn đoán và điều trị SXH. Mặc dù hiện nay, chúng ta chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu SXH nhưng ngành y tế cũng đã chuẩn bị nhiều loại thuốc rất tốt để điều trị cho bệnh nhân SXH và bảo hiểm y tế cũng thanh toán.
- Ngoài ra, ông có khuyến cáo gì đối với người dân trong việc phòng ngừa dịch bệnh này?
- Trước tiên, người dân cần phải có ý thức chủ động trong việc phòng tránh SXH bằng cách thường xuyên kiểm tra để loại bỏ dụng cụ chứa nước lâu ngày ở trong nhà và xung quanh nhà, vì đây chính là những ổ lăng quăng sinh ra muỗi gây bệnh SXH. Ngoài ra, khi cơ thể có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, kém ăn, đau cơ, đau khớp, phát ban, xuất huyết dưới da… cần phải tới ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. Đặc biệt, tại những địa phương đang là điểm nóng về SXH như Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, Khánh Hòa..., khi có sốt cao liên tục, người dân phải nghĩ tới ngay bệnh SXH và phải tới bệnh viện để khám, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hay điều trị tại nhà.
- Cảm ơn ông!
| |
MINH KHANG