Sự cảnh báo

Chỉ vừa bước qua mốc 100 ngày cầm quyền, từ vị trí được ủng hộ và kỳ vọng, người đứng đầu nước Pháp Emmanuel Macron đã trở thành vị tổng thống có mức tín nhiệm giảm nhanh nhất kể từ thời cựu Tổng thống Jacques Chirac vào năm 1995.
Theo kết quả thăm dò dư luận của Viện Ifop, tỷ lệ người dân Pháp ủng hộ Tổng thống Macron trong tháng 8 đã giảm thêm 14%, xuống mức 40%, sau khi giảm mạnh 10% hồi tháng 7 vừa qua.
Kết quả thăm dò này cũng cho thấy tỷ lệ người dân Pháp ủng hộ Tổng thống Macron đã giảm tổng cộng 22% kể từ cuộc thăm dò dư luận lần đầu tiên cách đây 3 tháng, khi ông mới đắc cử tổng thống và giành được sự mến mộ của 62% cử tri Pháp. 
Theo giới phân tích, tỷ lệ ủng hộ ông Macron sụt giảm đã phản ánh phần nào tâm lý thất vọng của người dân Pháp sau khi đón nhận làn gió mới từ chính trường.
Sự cảnh báo ảnh 1 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: NBC
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Macron đã nỗ lực tiến hành cải cách trong lĩnh vực lao động, điều chỉnh ngân sách, cũng như cắt giảm chi tiêu công.
Tuy nhiên, động thái này lại vấp phải nhiều chỉ trích từ phe đối lập và truyền thông trong nước. Pháp đang đối mặt với khoản thâm hụt ngân sách gần 9 tỷ EUR trong vòng 2 năm tới, buộc chính  phủ của ông Macron phải dựa vào cắt giảm mạnh chi tiêu để đạt mục tiêu thâm hụt ngân sách ở mức 3% tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong năm nay.
Năm ngoái, thâm hụt ngân sách của Pháp tương đương 3,4% GDP, lớn hơn dự báo. Năm nay, mức thâm hụt có thể đạt 3,2%. Trong kế hoạch cắt giảm ngân sách, ông Macron dự kiến cắt giảm ngân sách quốc phòng 850 triệu EUR trong năm 2017.
Tuy nhiên, ý định này đã khiến ông Macron rơi vào một cuộc tranh cãi với tướng Pierre de Villiers, Tổng tư lệnh quân đội Pháp, dẫn tới việc ông de Villiers từ chức. Những người phản đối Tổng thống Macron còn gây sức ép để buộc ông phải từ bỏ kế hoạch trao cho vợ ông “một địa vị thực sự”. 
Gần đây, Tổng thống Macron tiếp tục đối mặt với sự chỉ trích khi xuất hiện thông tin ông đã chi tới hơn 26.000 EUR cho việc làm đẹp mỗi khi xuất hiện trước công chúng trong 3 tháng tại nhiệm.
Ngoài ra, nhiều người dân cũng bày tỏ sự bất mãn với những chậm trễ của chính quyền ông Macron trong các cam kết cắt giảm thuế như các tuyên bố từng được đưa ra trước đây. 
Trái ngược với sự chỉ trích từ dư luận trong nước, về đối ngoại, ông Macron lại nhận được sự ủng hộ. Đây là điểm sáng được truyền thông đề cập trong hơn 3 tháng cầm quyền của ông Macron.
Với chính sách ngoại giao linh hoạt, ông Macron được nhìn nhận đã làm nổi bật vai trò của nước Pháp khi đóng góp những tiếng nói quan trọng trong nhiều sự kiện quốc tế. Đáng chú ý nhất trong số đó là vai trò lãnh đạo kế hoạch “phục hưng” Liên minh châu Âu cùng với Đức - đầu tàu kinh tế số 1 của lục địa già. 
Người phát ngôn của chính phủ Pháp Christopher Castaner lên tiếng thừa nhận rằng đảng Tiến bước của tổng thống đang trải qua giai đoạn khó khăn; sự ủng hộ của công chúng dành cho tổng thống giảm sút chính là cái giá phải trả nếu chính phủ muốn thúc đẩy sự phát triển thông qua cải cách. Số liệu thăm dò tín nhiệm chính là sự cảnh báo đối với Tổng thống Macron về cách thực hiện các chính sách cải cách trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục