Sử dụng rượu bia tràn lan

Mặc dù là nước vừa thoát nghèo và thu nhập bình quân của người dân chỉ đứng thứ 8 trong số 10 nước khu vực ASEAN nhưng thật đáng buồn khi Việt Nam là quốc gia tiêu thụ, sử dụng rượu, bia đứng đầu khu vực Đông Nam Á, vượt xa Thái Lan, Philippines và đứng thứ 3 châu Á chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản.

Theo nghiên cứu mới nhất vừa được Bộ Y tế công bố cho thấy, tốc độ sử dụng rượu, bia của người dân Việt Nam đang gia tăng một cách chóng mặt. Nếu như giai đoạn năm 2003-2005, người Việt chỉ tiêu thụ bình quân 3,8 lít rượu, bia/người/năm thì hiện nay đã tăng lên 6,6 lít. Trong khi đó mức tiêu thụ rượu, bia trung bình của thế giới trong thập kỷ qua gần như không thay đổi, duy trì ở mức 6,13 lít/người/năm.

Tình trạng sử dụng rượu bia ở nước ta diễn ra phổ biến, thậm chí là tràn lan tại nhiều nơi. Không quá khó để bắt gặp những quán nhậu đông nghẹt khách tới đêm khuya, thậm chí nhiều quán ngay từ sáng đã có rất nhiều người kéo tới nhậu nhẹt, trong đó không ít người là cán bộ, công chức nhà nước đang trong giờ làm việc.

Khảo sát của cơ quan y tế cho thấy có tới trên 50% đàn ông Việt Nam thường xuyên uống rượu, bia, Đặc biệt, nếu chỉ tính riêng các đấng mày râu thì mức tiêu thụ trung bình/năm ở Việt Nam là 27,4 lít, gấp hơn 4 lần mức trung bình toàn cầu. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng với khả năng uống rượu, bia một cách khủng khiếp như hiện nay, mỗi năm Việt Nam tiêu khoảng 3 tỷ lít bia và khoảng 68 triệu lít rượu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc một năm chúng ta phải bỏ ra khoảng 3 tỷ USD chi cho việc sử dụng rượu bia, gần bằng 3% thu ngân sách của cả nước. Trong khi đó, doanh thu từ việc kinh doanh rượu bia các doanh nghiệp nộp lại cho ngân sách nhà nước chỉ ở mức khoảng 16.000 tỷ đồng.

Nghiêm trọng hơn, việc lạm dụng, tiêu thụ quá nhiều rượu, bia đang gây ra những hậu quả nặng về mặt sức khỏe, cũng như những hệ lụy xã hội. Đánh giá của Viện Chiến lược và chính sách y tế nêu rõ, rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của gần 40 loại bệnh và là nguyên nhân gián tiếp gây ra 200 loại bệnh khác nhau. Có tới 4,4% người dân Việt Nam phải gánh chịu bệnh tật như ung thư, xơ gan, tim mạch, viêm gan, tâm thần, viêm loét dạ dày, ngộ độc... do rượu, bia gây ra.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu, bia khi vào cơ thể chỉ 2% - 8% bài tiết qua mồ hôi, nước tiểu, hơi thở, còn lại hấp thu vào gan, thận, đặc biệt là gan. Hơn nữa, rượu, bia là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Tệ hơn, tử vong do rượu, bia gây ra còn nhiều hơn HIV/AIDS.

Dưới góc độ xã hội, lạm dụng rượu, bia dẫn tới việc mất kiểm soát hành vi và là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, gây mất trật tự an ninh xã hội, đặc biệt là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng tai nạn giao thông đang gia tăng chóng mặt tại nước ta. Có tới 60% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ sử dụng rượu, bia, trong đó trên 25% là các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm thương vong nhiều người. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến 68% số vụ bạo lực gia đình và 38% số vụ gây rối trật tự an toàn xã hội.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc tiêu thụ rượu, bia ở nước ta tăng nhanh, trong đó các quy định về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia khá lỏng lẻo, cùng với đó là việc tiếp cận rượu, bia ở nước ta quá dễ dàng. Pháp luật hiện nay chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, còn rượu dưới 15 độ, bia và đồ uống có cồn vẫn được thoải mái quảng cáo như hàng hóa, dịch vụ bình thường. Điều này khó hạn chế được tình trạng lạm dụng rượu, bia, khó giảm tác hại của rượu, bia.

Rõ ràng việc sử dụng tràn lan rượu bia ở Việt Nam đang gây ra những hậu quả khôn lường, nếu không có biện pháp kiểm soát kịp thời. Không giảm mức độ tiêu thụ bia, rượu hàng năm sẽ khiến nỗ lực của toàn xã hội trong phát triển kinh tế, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng càng khó khăn hơn, ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục