Sự im lặng đáng ngại

Sự việc liên quan đến ấn phẩm "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" (Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn) của tác giả Ocean Vuong bắt đầu nổ ra vào đầu tháng 5, khi một phụ huynh đăng tải trên mạng xã hội phàn nàn việc giáo viên phát sách cho con (học sinh lớp 11 tại một trường quốc tế ở TPHCM) đọc trong dịp nghỉ lễ.

Theo vị phụ huynh này, tác phẩm có nội dung “khiêu dâm”, không phù hợp với lứa tuổi con mình. Sau chia sẻ trên, nhiều ý kiến trái chiều đã diễn ra, nhiều người đồng tình nhưng cũng không ít người phản đối với phụ huynh này.

Sau thời gian thẩm định, vừa qua, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã có phản hồi, khẳng định ấn phẩm này không có nội dung vi phạm Luật Xuất bản. Cục sẽ không xử lý mà chỉ đề nghị các sở giáo dục và đào tạo, các nhà trường chủ động đánh giá để đưa vào sử dụng cho phù hợp với lứa tuổi. Đáng lẽ câu chuyện xung quanh việc đưa ấn phẩm này vào nhà trường có thể tạm khép lại. Thế nhưng, một phát hiện mới lại cho thấy, câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó.

Trong Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành, 2022) do Bùi Mạnh Hùng giữ vai trò Tổng chủ biên, ở phần Thực hành đọc, sách có gợi ý một số tác phẩm ở thể loại tiểu thuyết của nhiều tác giả trong và ngoài nước để học sinh đọc như: Don Quixot (Miguel de Cervantes Saavedra), Robinson Crusoe (Daniel Defoe), Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer (Mark Twain), Tiếng gọi nơi hoang dã (Jack London)… và trong đó có Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian.Với việc lựa chọn tác phẩm cho học sinh tiếp cận, lẽ dĩ nhiên, những người biên soạn sách đã phải trải qua quá trình đọc, thẩm định. Thế nhưng, khi mà cuộc tranh luận nổ ra, không một cá nhân nào trong nhóm biên soạn hay đại diện NXB Giáo dục Việt Nam lên tiếng giải thích, phản biện.

Đây không phải là lần đầu tiên có dư luận liên quan đến ngữ liệu được sử dụng trong SGK, hay trong sách tham khảo. Vào tháng 8-2021 từng “nổ” ra cuộc tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội cũng như trên các phương tiện truyền thông xung quanh bài thơ Bắt nạt của Nguyễn Thế Hoàng Linh, được in trong SGK Ngữ văn 6 tập 1 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành) do PGS-TS Bùi Mạnh Hùng làm Tổng chủ biên.

Sau đó 2 năm, vào tháng 10-2023, sự việc này tiếp tục được “khơi” lên, đông đảo người tranh luận. Đáng tiếc, trong cả những lần như vậy, những người biên soạn sách lẫn đơn vị xuất bản lại im lặng. Nhiều khi “im lặng là vàng”, nhưng trong những trường hợp này, im lặng này lại gây nên sự đáng buồn và đáng ngại.

Tin cùng chuyên mục