Sứ mệnh của người thầy thuốc

“Sứ mệnh của người thầy thuốc là chữa bệnh cứu người, vì vậy bản thân tôi nghĩ phải cứu người bằng hết khả năng của mình, không chỉ là năng lực mà còn bằng cả tấm lòng”, bác sĩ (BS) Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện (BV) Quận 2, TPHCM chia sẻ.

Bác sĩ vi hành

Hẹn BS Khanh lúc 10 giờ sáng ngay sau ngày nghỉ Tết Độc lập nhưng chúng tôi có mặt sớm khoảng 30 phút. Hỏi phòng giám đốc, nhân viên BV cho biết, nếu chưa tới giờ hẹn thì hiếm khi BS ở trong phòng, rồi chỉ xuống các dãy phòng bệnh, bảo: “Ngoài họp hành ra, tụi em muốn kiếm BS Khanh thì đều xuống phòng bệnh, rảnh là BS Khanh xuống dưới thăm bệnh nhân (BN)”.

Nói xong, cô nhân viên dẫn chúng tôi băng hành lang xuống phòng BN nội trú. Thấy chúng tôi, BS Khanh cười nói: “Tưởng cô chưa tới, tôi xuống thăm hỏi mấy cô, mấy bác xem tình hình bữa rày ra sao. Sau lễ, nhiều người lên tái khám, điều trị, trong đó có BN khó khăn mà BV đang hỗ trợ”.

Trước khi chào BN để tiếp chúng tôi, BS Khanh nhắc điều dưỡng hỏi thêm về việc ăn uống của BN nghèo mấy ngày tới ở BV để hỗ trợ. Cảm động trước sự quan tâm của BS, bà Phạm Thị Tòng (ngụ Bến Tre) níu tay chúng tôi kể: “Cô là người quen của BS Khanh hả? Ổng tốt lắm, bữa lâu đi khám ở quê tui, thấy tui neo đơn mà bị bệnh sỏi mật, ổng kêu lên đây chữa bệnh không mất tiền, lại tặng cái thẻ bảo hiểm y tế rồi bao cả cơm ăn suốt 4 ngày nằm viện. Ngày tui xuất viện, ổng còn đưa hơn 3 triệu đồng bảo là của mạnh thường quân tặng. Chẳng thân quen gì mà ổng tốt với tui quá”.

Thấy BN khen, BS Khanh chỉ bảo đó là sứ mệnh của người thầy thuốc và khuyên BN an tâm điều trị để mau khỏi bệnh. Quay qua chúng tôi, BS Khanh tâm sự: “Giúp họ cũng như giúp mình, họ không phải suy nghĩ chuyện tiền bạc thì tinh thần mới thoải mái, bệnh tình sẽ nhanh thuyên giảm”.

Sứ mệnh của người thầy thuốc ảnh 1 Những lúc rảnh, BS Trần Văn Khanh (thứ 2, từ trái sang) lại xuống phòng bệnh thăm hỏi, động viên bệnh nhân nghèo

Trên Facebook hay Zalo, BS Khanh cũng không thông tin dành riêng cho mình, chỉ toàn thông tin BN nghèo, hết “xin tiền” cho BN của mình lại đến “xin tiền” cho BN của đồng nghiệp.

Trước lễ 2-9, BS Khanh nhận được tin nhắn của một đồng nghiệp: “Có sản phụ phải nhập viện trong tình trạng hậu phẫu mổ lấy thai non. BN sinh lần 5, hoàn cảnh rất khó khăn. Họ cần gấp một khoản tiền, mai nghỉ lễ rồi, anh có cách nào giúp họ không?”.

Ngay lập tức, BS Khanh đăng tin lên Facebook, Zalo, gọi đến từng người thân, bạn bè để vận động. Sau 3 giờ đồng hồ quyên góp, BS Khanh trực tiếp đem 33 triệu đồng trao tận tay BN Trần Mỹ Tuyền (26 tuổi, quê Cà Mau) đang điều trị tại BV Nhân dân Gia Định.

Đi tìm người bệnh

Ngoài công tác quản lý ở BV hay tham gia vào hoạt động chuyên môn tại Khoa Tiêu hóa, phần lớn thời gian còn lại, BS Khanh dành cho những BN nghèo - công việc mà ông gắn bó từ thời còn là sinh viên Trường Đại học Y Dược TPHCM.

Trong hàng trăm kỷ niệm về BN nghèo mà mình hỗ trợ, BS Khanh nhớ mãi về BN Phùng Thanh Liêm ngụ xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông - trường hợp mà ông quyết định hỗ trợ từ A đến Z trong tức khắc, dù chi phí lúc ấy còn là một ẩn số lớn. 

Đó là năm 2015, trong chuyến khám bệnh miễn phí cho bà con vùng này của Hội Thầy thuốc TPHCM kết hợp với BV Quận 2. Trong lúc đang khám bệnh, một phụ nữ chạy vào cầu xin các BS cứu chồng chị đang bệnh nằm một chỗ. BS Khanh cùng đồng nghiệp lập tức mượn xe máy, chạy theo người phụ nữ này tới tận nhà để xem tình hình.

Khi được hỏi, lúc nào ông dành thời gian cho bản thân và gia đình, BS Khanh cười bảo: “Những lúc làm việc, giúp được BN nghèo đã là thời gian dành cho tôi; còn truyền lửa được cho các con về tình người, về truyền thống lá lành đùm lá rách là thời gian dành cho gia đình, nhất là với gia đình có truyền thống theo nghề y như nhà tôi. Dĩ nhiên, mỗi người mỗi cách thể hiện, với tôi, đó là sự lồng ghép, chỉ gắn kết với nhau mới hoàn hảo được”.
Trong căn nhà lá trống huơ trống hoác, trên chiếc giường cũ sắp sập, hình ảnh một thanh niên ngoài 30 tuổi bị phỏng toàn thân, người ốm nhách, chỉ còn lại phần da thịt đang dần hoại tử bám vào xương đã thôi thúc BS Khanh quyết định đưa anh xuống BV Quận 2 điều trị miễn phí.

Ngày anh Liêm nhập viện, BS Khanh đôn đáo liên hệ các đồng nghiệp, vừa “nhờ vả” chuyên môn, vừa quyên tiền trợ giúp. May mắn là có sự chung tay của các BS đầu ngành ở các BV lớn hỗ trợ về chuyên môn và hàng chục đồng nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ về chi phí, cùng BV Quận 2 điều trị miễn phí cho anh Liêm.

Gần 20 tháng điều trị với 7 cuộc đại phẫu thuật và chi phí xấp xỉ 400 triệu đồng, anh Liêm bình phục. Ngày anh xuất viện, đích thân BS Khanh đưa về quê, hành trang BS mang theo không chỉ có tấm lòng của người thầy thuốc nhiệt tình mà còn có hơn 60 triệu đồng dư ra từ số tiền các mạnh thường quân hỗ trợ, để gia đình trả cho những khoản vay “nóng” chữa bệnh cho anh trước đây. 

Hơn 21 năm làm nghề và hơn 26 năm tham gia thiện nguyện, BS Khanh đã trực tiếp thăm khám miễn phí cho gần 300.000 người, hỗ trợ nhiều trường hợp khẩn cấp như vậy. Cũng với tấm lòng ấy, trong công tác quản lý tại BV Quận 2, BS Khanh luôn nhắc nhở cán bộ, nhân viên y tế không chỉ làm tốt công tác chuyên môn mà cần quan tâm hơn đến hoàn cảnh của BN, nhất là những người khó khăn, đơn chiếc. Bởi vậy mà ở BV Quận 2, những suất cơm hay giường bệnh miễn phí luôn sẵn sàng khi BN có nhu cầu…

Tin cùng chuyên mục