Sự trở lại của Những ngày châu Âu

Đến hẹn lại lên, Những ngày châu Âu tại Việt Nam bước sang tuổi 12 với nhiều hoạt động ấn tượng. Từ nhiều năm qua, Những ngày châu Âu đã trở thành điểm hẹn đầy thú vị với công chúng Việt Nam thông qua một hành trình hấp dẫn về những nét văn hóa châu Âu cùng các hoạt động tri thức và văn hóa đa dạng.
Sự trở lại của Những ngày châu Âu

Đến hẹn lại lên, Những ngày châu Âu tại Việt Nam bước sang tuổi 12 với nhiều hoạt động ấn tượng. Từ nhiều năm qua, Những ngày châu Âu đã trở thành điểm hẹn đầy thú vị với công chúng Việt Nam thông qua một hành trình hấp dẫn về những nét văn hóa châu Âu cùng các hoạt động tri thức và văn hóa đa dạng.

Từ âm nhạc đến bóng đá

Là chương trình mang tính chất cầu nối giao lưu văn hóa, Những ngày châu Âu 2016 - hoạt động được Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU), đại sứ quán các nước thành viên EU và các Viện Văn hóa châu Âu đồng tổ chức nhằm kỷ niệm Ngày châu Âu (9-5) sẽ kéo dài một tháng tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.

Với chuỗi đa dạng các hoạt động, chương trình Những ngày châu Âu năm nay sẽ mang đến sự hòa trộn của âm nhạc, điện ảnh, thể thao, ẩm thực, khoa học và sáng tạo.

Cụ thể, các điểm nhấn gồm có buổi hòa nhạc mang chủ đề Cuộc gặp gỡ Âu - Á trong điệu nhạc jazz. Ca sĩ nhạc jazz nổi tiếng thế giới người Đức Michael Schiefel sẽ kết hợp cùng với các nghệ sĩ đến từ châu Âu và Việt Nam trong khuôn khổ buổi hòa nhạc đặc biệt này tại Hà Nội (từ ngày 9 đến 10-5) và TPHCM (lúc 20 giờ ngày 11-5 tại Nhà hát lớn Thành phố).

Ca sĩ Schiefel sẽ cùng biểu diễn với nghệ sĩ chơi bộ gõ người Italia Davide Pasqualini, tay guitar jazz người Ba Lan Gabriel Niedziela và nghệ sĩ cello Jorg Brinkmann. Cùng với sự tham gia của nghệ sĩ saxophone Việt Nam Nguyễn Bảo Long và nghệ sĩ dương cầm Nguyễn Hữu Vương thuộc ban nhạc JumpforJazz, sự hòa quyện Âu - Á sẽ được thể hiện trong điệu nhạc jazz.

Bữa tiệc âm nhạc còn đặc sắc hơn với vở nhạc kịch nổi tiếng thế giới Cây sáo thần kỳ (Magic Flute) được biểu diễn trọn vẹn bằng ngôn ngữ gốc lần đầu tiên tại TPHCM. Vở nhạc kịch Cây sáo thần kỳ được biểu diễn lần đầu tại Vienna vào năm 1791 và là một trong những vở nhạc kịch nổi tiếng nhất thế giới. Vở nhạc kịch sẽ do các nghệ sĩ David Hermann đạo diễn và Trần Nhật Minh chỉ đạo.

Nghệ sĩ người Đức Micheal Schiefel sẽ biểu diễn trong chương trình Những ngày châu Âu tại TPHCM

Bên cạnh đó còn có các hoạt động như Liên hoan Ẩm thực châu Âu, những ngày khoa học, công nghệ và sáng tạo ASEAN-EU…

Ngoài ra, Phái đoàn EU sẽ tổ chức cuộc thi Đố vui Euro Cup 2016 online trên trang Facebook fan-page: https://www.facebook.com/EUandVietnam để khởi động Euro Cup 2016 diễn ra tại Pháp. Ba giải thưởng chính là một chuyến đi Pháp, gồm vé máy bay khứ hồi tới Paris, phòng khách sạn và vé xem trận chung kết Euro 2016.

Cánh cửa vào châu Âu qua phim, sách

Những tín đồ nghệ thuật thứ 7 tại Việt Nam sẽ bị mê hoặc bởi bộ sưu tập những bộ phim châu Âu hay nhất trong Liên hoan Phim châu Âu 2016 (EFF2016) với 13 bộ phim đương đại chọn lọc từ 13 quốc gia thành viên EU sẽ được khai mạc tại Hà Nội vào ngày 13-5, tại Đà Nẵng ngày 14-5 và TPHCM ngày 15-5 (kéo dài đến 26-5 tại rạp Cine Star, 271 Nguyễn Trãi, quận 1).

Theo ban tổ chức, EFF2016 nỗ lực phản ánh sự ưu việt, đổi mới và đa dạng của điện ảnh châu Âu thông qua một bộ sưu tập của đam mê, bi kịch, hài kịch và chính kịch. Những bộ phim này đã gặt hái nhiều thành công ở nước sở tại.

Một số bộ phim đã giành được những giải thưởng quốc gia và quốc tế danh giá. Đó là các phim Chucks của Cộng hòa Áo, Love & Engineering của Bulgaria, Two Days, One Night của Bỉ - từng đoạt giải Phim quốc tế xuất sắc nhất giải thưởng Hiệp hội phê bình phim Australia 2015, Phim xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nam diễn viên xuất sắc nhất giải Magritte Bỉ 2015, Love Me or Leave Me của Slovakia, Marshland (La isla Minima) của Tây Ban Nha và Flocking của Thụy Điển.

Đặc biệt, sự đa dạng trong các truyền thống văn hóa châu Âu sẽ được thể hiện trong sự kiện Ngày Văn học châu Âu tại Hà Nội và lần đầu tiên tổ chức tại TPHCM.

Tại sự kiện, độc giả Việt Nam sẽ có cơ hội tìm thấy một thứ gì đó cho riêng mình với các loại sách, truyện đến từ Đan Mạch, Đức, Pháp, Thụy Điển, Bỉ (vùng Wallonia - Brussels), Italia, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh.

Ngoài việc giới thiệu các cuốn sách, độc giả còn có cơ hội gặp gỡ các tác giả, lắng nghe các buổi nói chuyện hay đọc truyện, hoặc đăng ký tham gia các hội thảo về viết văn sáng tạo. Tại TPHCM, sự kiện này sẽ diễn ra tại 3 địa điểm gồm Đường sách Nguyễn Văn Bình, IDECAF và Thư viện Khoa học tổng hợp từ ngày 8 đến 12-5.

"Con rối tha hương" - Sách về người Việt ở châu Âu
Sự trở lại của Những ngày châu Âu ảnh 2

Nhân dịp Những ngày châu Âu tại TPHCM, tác phẩm Con rối tha hương của nữ nhà văn Đức Karin Kalisa ra mắt độc giả. Trong bản gốc, tác phẩm có nhan đề Sungs Laden (Cửa hiệu của Sung), qua bản dịch của dịch giả Lê Quang, sách lấy tên mới, phản ánh cụ thể hơn nội dung của tác phẩm.

Con rối tha hương là câu chuyện dài bắt đầu từ thế hệ nhỏ nhất trong một gia đình Việt kiều ba thế hệ sống tại Đức, cậu bé Minh học sinh cấp 1, phải mang đến “Tuần thế giới mở” của nhà trường một tiết mục văn hóa mang đậm màu sắc Việt Nam, mà không được là thực phẩm. Sung và Mây - bố và mẹ cậu bé - bó tay, đành chỉ cho con trai vào viện cầu đến bà nội.

Một con rối nước với một câu chuyện gây ngạc nhiên và hấp dẫn người nghe, được kể qua màn độc thoại kỳ lạ và những động tác duyên dáng của người phụ nữ đã đi qua hơn nửa đời người, được mang đến sân khấu của “Tuần thế giới mở”. Cũng từ đây, cuộc đời ba thế hệ của gia đình cậu bé Minh trên nước Đức, bắt đầu từ bà nội cậu, được trải ra cho độc giả cùng trải nghiệm và thấu cảm.

Karin Kalisa sinh năm 1965 tại Bremerhaven (Đức), tiến sĩ về Nhật Bản học và Triết học ngôn ngữ tại Hamburg, Bochum và Tokyo. Tuy là tác phẩm đầu tay của cô, nhưng cuốn sách đã giành được sự chú ý rất lớn của độc giả, các tạp chí văn học và giới phê bình khi khai thác những sự giằng xé đan xen giữa hiện tại, quá khứ và tương lai của một gia đình người Việt định cư ở Đức. Dịch giả Lê Quang, sinh năm 1956, một Việt kiều Đức, đã chuyển thể rất nhiều tác phẩm văn học Đức sang tiếng Việt, đáng chú ý là Người đọc, Tình ơi là tình,...

TƯỜNG VY

KHẮC THI

Tin cùng chuyên mục