Sửa đổi, bổ sung 8 nhóm quy định quản xe công nghệ

Để quản lý chặt chẽ đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) sử dụng hợp đồng điện tử, đảm bảo công bằng đối với xe taxi, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất bổ sung 8 nhóm quy định, trong đó có việc xe sử dụng hợp đồng vận chuyển hành khách điện tử phải báo cáo thông tin về hợp đồng trước khi vận chuyển; phải có thiết bị để truy cập vào nội dung của hợp đồng và truy cập để xem danh sách hành khách.
Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ phải có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất)
Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ phải có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất)

Trong báo cáo vừa gửi đến Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, một lý do quan trọng khiến cho dự thảo nghị định thay thế nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ (quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô) được chuẩn bị đã hơn ba năm nay vẫn chưa thể ban hành là do đối với việc quản lý xe ô tô dưới 9 chỗ hoạt động vận tải hành khách có ứng dụng phần mềm để điều hành hoạt động vận tải sẽ được quản lý như xe taxi hay hợp đồng vận tải điện tử, đến nay vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. 

Tới đây, ông Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ bổ sung một số quy định để đảm bảo công bằng giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống.

"Tính đến thời điểm tháng 6-2019, có khoảng 70.000 xe ô tô ứng dụng hợp đồng điện tử", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Để quản lý chặt chẽ đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) sử dụng hợp đồng điện tử, đảm bảo công bằng đối với xe taxi, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất bổ sung 8 nhóm quy định, trong đó có việc xe sử dụng hợp đồng vận chuyển hành khách điện tử phải báo cáo thông tin về hợp đồng trước khi vận chuyển; phải có thiết bị để truy cập vào nội dung của hợp đồng và truy cập để xem danh sách hành khách.

Giao diện của người thuê vận tải phải hiện diện thương mại của đơn vị kinh doanh vận tải và các phương tiện kinh doanh thuộc đơn vị để người thuê vận tải thực hiện lựa chọn, đàm phán về hành trình, thời gian và giá trị hợp đồng.

Bên cạnh đó, trong thời gian 1 tháng, xe ô tô kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi, xe ô tô sử dụng hợp đồng vận chuyển hành khách dưới 9 chỗ phải có thời gian hoạt động tại địa phương nơi cấp phù hiệu tối thiểu 70% tổng thời gian hoạt động trong tháng.

Chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ. Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng vận chuyển điện tử phải có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông.

Đồng thời, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng vận chuyển điện tử có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái) phải có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất). Quy định này nhằm đảm bảo cân bằng với điều kiện về niên hạn so với xe taxi.

Đáng lưu ý, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” trên kính phía trước và kính phía sau xe theo quy định; kích thước tối thiểu của cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” là 06 x 20cm; cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” phải được làm bằng vật liệu phản quang.

Doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho lái xe thuộc đơn vị theo quy định.

Nội dung quy định tại khoản 6 điều 36 của dự thảo nghị định quy định việc chuyển tiếp về cấp và sử dụng phù hiệu đối với xe ô tô kinh doanh vận tải cũng đã được bổ sung, điều chỉnh nhằm đảm bảo quyền chủ động để đơn vị kinh doanh vận tải lựa chọn loại hình kinh doanh cho phù hợp với khả năng, nhu cầu của đơn vị mình, đồng thời khi lựa chọn loại hình nào thì phải thực hiện theo quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh của loại hình đó, tránh trường hợp “lách” quy định như đã xảy ra trong thực tiễn.

Tin cùng chuyên mục