Sức nóng từ các dự án giao thông trọng điểm

Chưa bao giờ việc triển khai các dự án (DA) phát triển giao thông kết nối vùng lại trở nên cấp bách như hiện nay khi hạng mục chính của DA Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2022. Các địa phương trong vùng Đông Nam bộ đều không muốn bỏ lỡ cơ hội bắt nhịp - kết nối với sân bay Long Thành nên nhiều DA giao thông trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ.
Thi công bóc lớp mặt khu vực xây dựng nhà ga sân bay Long Thành
Thi công bóc lớp mặt khu vực xây dựng nhà ga sân bay Long Thành

Tăng tốc các dự án trọng điểm 

Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành Trung ương đã dành sự quan tâm đặc biệt cho DA sân bay Long Thành khi ngày mùng 6 Tết Nhâm Dần, người đứng đầu Chính phủ đã có chuyến thị sát DA để kịp thời có những chỉ đạo.

Thủ tướng đánh giá sân bay Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia, song công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước vẫn chưa xứng tầm, và để công trình kịp về đích, đưa vào khai thác giai đoạn 1 năm 2025 cần có quyết tâm chính trị cao, có tư duy đổi mới - tiếp cận đồng bộ, tổng thể, liên thông, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt điểm viêc đó, tăng cường trách nhiệm cá nhân, chống lợi ích nhóm, tham nhũng.

Trong đó, UBND tỉnh Đồng Nai phải đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất đúng tiến độ và các dự án tái định cư phải đảm bảo để người dân có cuộc sống ổn định bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Thủ tướng cũng lưu ý trách nhiệm của các bộ, ngành, nhất là Bộ GTVT trong việc quy hoạch, triển khai các DA hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ với sân bay Long Thành.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thị sát DA đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và đã có những chỉ đạo kịp thời, tháo gỡ những vướng mắc của DA liên quan đến vật liệu san lấp, giải phóng mặt bằng.

Đáng chú ý, Thủ tướng đã chỉ thị các địa phương và bộ, ngành có liên quan cần nỗ lực nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ để đưa công trình về đích trước 1 quý so với kế hoạch (trước đây là tháng 12-2022). DA đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có tổng vốn đầu tư 12.500 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, có tổng chiều dài 99km đi qua 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, đoạn qua Đồng Nai dài 51km. Khi hoàn thành sẽ chia bớt lượng xe trên quốc lộ 1, rút ngắn thời gian di chuyển giữa Bình Thuận về TPHCM và ngược lại (có kết nối với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây), tạo thêm điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngày 21-2, trao đổi với chúng tôi, được ông Nguyễn Khắc Phong, Phó Ban Quản lý thường trực DA sân bay Long Thành, cho biết, sau chuyến thị sát của Thủ tướng Chính phủ ngày 6-2, tiến độ DA được đẩy nhanh, công trường đang tập trung khoảng 300 máy móc, thiết bị với 600 công nhân, chia làm 3 ca, 5 mũi thi công. Các nhà thầu đang bóc lớp mặt khoảng 30cm vận chuyển đến khu vực dự trữ, đồng thời thi công móc đất khu vực xây dựng nhà ga sâu 5-7m và dự kiến bàn giao mặt bằng thi công nhà ga hành khách vào cuối tháng 3.  

Khởi động nhiều dự án giao thông kết nối

 Ngay sau chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi đã chủ trì cuộc họp thông qua quy hoạch 7 vùng khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng san lấp thuộc 3 huyện Thống Nhất, Định Quán và Tân Phú. Từ quy hoạch này, các địa phương sẽ đẩy nhanh việc cấp phép khai thác các mỏ đất, đá phục vụ thi công DA đang giai đoạn nước rút.

Bên cạnh đó, các DA trọng điểm khác như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú và Vành đai 3 cũng đang được Bộ GTVT và các địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, DA cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi theo phương án đầu tư công có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 17.837 tỷ đồng (quy mô 4-6 làn xe, vận tốc 100km/giờ, dài 53,7km) để trình Quốc hội và DA cao tốc Dầu Dây - Tân Phú có mức đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng theo phương thức đối tác công tư (PPP - hợp đồng BOT). 

Với DA cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1), phần vốn nhà nước chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, xây dựng công trình và chi phí chuẩn bị DA của cơ quan có thẩm quyền, đơn vị chuẩn bị DA PPP sẽ do nhà đầu tư (được lựa chọn) chịu trách nhiệm hoàn trả cho ngân sách nhà nước. Bộ GTVT dự kiến DA hoàn vốn trong 20 năm 3 tháng, phí khởi điểm là 1.700 đồng/km/xe tiêu chuẩn và dự kiến tăng 200-400 đồng/km/xe tiêu chuẩn sau mỗi 2 năm. DA sẽ triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư trong năm 2022-2023, thi công xây dựng năm 2023-2025 và đưa vào sử dụng cùng lúc với sân bay Long Thành.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 29/TB-VPCP (ngày 30-1) thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về DA đường Vành đai 3 - TPHCM (dài 89km đi qua địa bàn 4 tỉnh, thành là Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TPHCM). Phương án vốn sẽ là ngân sách trung ương 50% và nguồn vốn địa phương 50%.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị nghiên cứu áp dụng cơ chế đặc thù tương tự với các cơ chế trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua về chủ trương đầu tư DA Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 với DA đường Vành đai 3 - TPHCM.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất áp dụng hình thức đầu tư công với DA đường Vành đai 3 - TPHCM để đẩy nhanh tiến độ, trong đó có kết hợp vốn ngân sách trung ương và địa phương.

Tin cùng chuyên mục