Từ Lộc Bắc anh hùng...
Đưa chúng tôi đi thăm trên con đường đã được trải nhựa thẳng tắp chạy băng qua qua trung tâm xã, ông K’Sung, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lộc Bắc, kể: “Đây là nơi chuyển tiếp thông tin giữa chiến khu và các mặt trận khác nên có vị trí rất quan trọng. Người dân Lộc Bắc trong kháng chiến không kể già trẻ, gái trai đều hăng hái phục vụ cách mạng”. Bản thân ông K’Sung khi hơn 10 tuổi đã theo cha mẹ đi tải đạn, nấu cơm cho bộ đội khi đi qua căn cứ. Sau ngày giải phóng, vùng đất vốn chịu nhiều tổn thất bởi chiến tranh nên đời sống kinh tế của bà con gặp nhiều khó khăn, sản xuất chủ yếu tự cung, tự cấp.

Ông K’Núi, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bắc, cho biết: Phải đến cuối thập niên 1990, khi các chương trình hỗ trợ của nhà nước về với địa phương thì tình trạng du canh, du cư mới giảm bớt. Bà con được cung cấp giống cà phê, chè để định canh, định cư. Sau năm 2000, Lộc Bắc được nhà nước đầu tư hạ tầng cơ bản đầy đủ như đường, điện, trạm xá, trường học… đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe của người dân ở đây dần được nâng lên. Không ít những vườn cà phê, sầu riêng chuyên canh được mọc lên giữa vùng đất trù phú. Năm 1994, Đảng bộ, quân và dân xã Lộc Bắc đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
... Đến vùng biên Ia H’Drai khởi sắc
Ia H’Drai là huyện biên giới tỉnh Kon Tum, được thành lập từ năm 2015, gồm 3 xã là Ia Tơi, Ia Dom, Ia Đal. Đến nay, người dân an cư, trở thành lá chắn thép bảo vệ biên cương.
Đó là nhờ địa phương triển khai nhiều chính sách thu hút dân cư; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất giá trị cao. Khu tái định cư làng chài Ia Tơi (thôn 7, xã Ia Tơi) được huyện Ia H’Drai xây dựng cách đây 7 năm, cho 29 hộ dân đánh cá trên hồ thủy điện Sê San (xã Ia Tơi) chuyển lên sinh sống. Những hộ này phần lớn có quê gốc ở các tỉnh miền Tây. Người dân làng chài lên khu tái định cư ở, sẽ được hưởng các ưu đãi như được nhà nước cấp đất ở, hỗ trợ tiền xây nhà. Đến khu tái định cư làng chài Ia Tơi, chúng tôi chứng kiến những căn nhà được xây dựng kiên cố; bao quanh là những vườn cây xanh um, trái chi chít cành. Người dân tất bật chở cá vừa đánh bắt từ sông Sê San về nhà bán cho thương lái. Gương mặt họ lộ rõ niềm vui, hứa hẹn một năm bội thu từ nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.
Trong số 29 hộ dân làng chài sinh sống ở khu tái định cư, hộ anh Nguyễn Duy Khanh được đánh giá là có kinh tế khá nhất. Ngoài nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, anh Khanh xây dựng nhà hàng nổi và nhà lưu trú trên sông để phục vụ khách đến làng chài tham quan. Anh đang liên kết làm du lịch trên hồ thủy điện để tăng thu nhập.
Tiếp tục xuôi theo quốc lộ 14C, chúng tôi đặt chân đến xã Ia Dom. Hai bên đường, những vườn cao su, hồ tiêu, điều được trồng bạt ngàn. Đây là những loại cây giúp người dân thoát nghèo. Chị Nguyễn Thị Thùy (thôn 2, xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai), cho biết, gia đình vốn là hộ nghèo. Để thoát nghèo, dưới sự hỗ trợ của địa phương, chị đã trồng 150 trụ tiêu, 1.100 cây cà phê, 600 cây điều, đồng thời làm công nhân cao su với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Nhờ nguồn thu nhập ổn định, gia đình đã xây nhà khang trang, đã thoát khỏi hộ nghèo.