Súng lậu - nỗi lo lớn ở châu Âu

Đức là nước có luật kiểm soát súng được xem là chặt chẽ nhất thế giới nhưng điều đó không thể ngăn chặn vụ xả súng ngày 22-7 làm 10 người chết. Theo cảnh sát Đức, kẻ tấn công có khả năng đã “tậu” khẩu súng lục bất hợp pháp và không có giấy phép. Vụ việc cho thấy tình trạng kiểm soát súng vẫn đáng lo ngại, và xem ra các chính phủ ở châu Âu đang lúng túng trong việc có thêm các biện pháp về mặt pháp lý để kiểm soát súng. Nils Duquet, chuyên gia vũ khí ở Bỉ làm việc cho Viện Hòa bình Flemish nói trên tờ The Independent rằng: “Đức có một hệ thống khá hoàn hảo về sở hữu súng hợp pháp, nhưng vũ khí bất hợp pháp tiếp tục đặt ra một vấn đề lớn”. Theo ông Duquet, hiện có hàng triệu vũ khí bất hợp pháp ở châu Âu.

Sau 2 vụ xả súng kinh hoàng tại trường học vào năm 2002 và 2009, các chính trị gia Đức đã thông qua luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn, khiến cho việc sở hữu vũ khí hợp pháp trở nên khó khăn hơn. Người mua súng dưới 25 tuổi ở Đức phải vượt qua kỳ thi tâm lý. Về mặt lý thuyết, những biện pháp này có thể đã ngăn chặn kẻ tấn công 18 tuổi ở Munich cách đây vài ngày, vì nghi phạm được cho là có thể bị trầm cảm và từng phải điều trị nội trú. Tuy nhiên, theo ông Duquet, có rất nhiều điểm nóng ở châu Âu có thể đáp ứng nhu cầu súng lậu và đó là điều đáng lo ngại. Do Hiệp ước Schengen, biên giới trong Liên minh châu Âu (EU) liên thông và tiến sát đến vùng chiến tranh hiện tại (Thổ Nhĩ Kỳ, Syria…) hoặc trước đây (như khu vực Balkan) đã tạo điều kiện để vũ khí bất hợp pháp tuồn vào lục địa này.

Thống kê cho thấy, số lượng ngày càng tăng các cuộc tấn công khủng bố tại châu Âu trong 2 năm qua được thực hiện bằng các loại súng bất hợp pháp mua từ các nước Đông Âu. Khu vực Balkan bị đánh giá là nguy cơ đặc biệt khi là một nguồn cung vũ khí lậu với hàng triệu vũ khí từng được sử dụng trong các cuộc chiến tranh của khu vực thập niên 1990 vẫn được cho là đang lưu hành. Mặc dù đa phần là vũ khí đã cũ nhưng vẫn đang được nhập lậu và sau đó được chào bán ở Tây Âu. Theo báo Guardian, một số vũ khí được sử dụng trong vụ xả súng tại tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris hồi tháng 1-2015 được cho là mua ở Slovakia.

Theo các chuyên gia, việc kích hoạt lại một vũ khí ngừng sử dụng đã lâu thường chỉ mất vài giờ. Ông Philip Boyce, chuyên gia vũ khí và pháp y người Anh nhấn mạnh rằng, trái với Anh, châu Âu từ lâu đã thất bại trong việc thông qua luật nghiêm ngặt cấm các loại súng cũ đã ngừng sử dụng do các nhà lập pháp bị áp lực từ các ngành công nghiệp vũ khí.

Như vậy, cùng với tình trạng nhập cư, việc kiểm soát vũ khí sẽ là bài toán khó để châu Âu có thể ngăn chặn nhiều vụ khủng bố, kể cả có tổ chức hoặc tự phát kiểu “sói đơn độc”. Nhưng có thực tế là các lò vũ khí tại nhiều nơi trên thế giới, kể cả ở Balkan, không phải đương nhiên mà có. Nó là kết quả của các hoạt động quân sự và mua bán vũ khí ồ ạt mà bản thân các nước châu Âu cũng tham gia rất tích cực.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục