Tấc đất, tấc vàng

Với diện tích đất canh tác rộng lớn và dân cư thưa thớt, các quốc gia trong khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur - gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay) đã và đang trở thành mục tiêu trong hiện tượng thu mua đất nông nghiệp trên toàn cầu trong thập kỷ qua.

Theo hãng thông tấn Prensa Mercosur, trong số 170 triệu ha đất có thể trồng trọt của Argentina, các chủ nước ngoài đã nắm giữ 20 triệu ha (tương đương gần 12%, chưa kể việc sở hữu gián tiếp). Một số cuộc khảo sát được hãng tin Terramerica của Brazil công bố cho thấy trong giai đoạn 2007-2009, trung bình mỗi ngày các nhà đầu tư nước ngoài mua 1.200ha đất nông nghiệp của quốc gia lớn nhất Nam Mỹ này.

Trong khi đó, chỉ trong giai đoạn 2000-2009, 3 triệu/16 triệu ha đất nông nghiệp của Uruguay đã rơi vào tay các chủ sở hữu nước ngoài, chưa kể tỷ lệ ngoại quốc hóa đất 17% trước giai đoạn này. Người nước ngoài hoặc thực chất là bình phong đại diện cho các nhà đầu tư nước ngoài chiếm phần lớn trong số 200 gia đình đang kiểm soát 80% diện tích đất màu mỡ của Paraguay.

Các chuyên gia nông nghiệp cảnh báo hiện tượng ngoại quốc hóa đất nông nghiệp này mang lại nhiều hệ quả xấu đối với kinh tế và xã hội, trong đó nổi bật nhất là việc mất kiểm soát lãnh thổ, mất dần chủ quyền trong nông nghiệp, thất thoát tài nguyên, mất dần bản sắc nhiều vùng nông thôn…

Chính vì lẽ đó, bỏ qua những cảnh báo về sụt giảm đầu tư nước ngoài và vi phạm “tự do buôn bán”, chính phủ tại 4 nước Mercosur đều đã hoặc đang đưa ra các biện pháp ngăn chặn tình trạng này. Tháng 10-2008, Paraguay ra sắc lệnh cấm mọi hoạt động mua bán đất nông nghiệp với người nước ngoài. Tháng 8-2010, Brazil ban hành luật ấn định giới hạn diện tích đất nông nghiệp do người nước ngoài sở hữu tại mỗi đơn vị cấp huyện không được vượt quá 25% và mỗi hợp đồng buôn bán không được vượt quá 5.000ha.

Gần đây nhất, tháng 4-2011, Chính phủ Argentina đệ trình Quốc hội dự luật có nội dung giới hạn đất nông nghiệp do người nước ngoài sở hữu không được quá 20% cấp quốc gia và diện tích trong mỗi lần giao dịch không quá 1.000ha.

Mặc dù chính phủ 4 nước đã nhận ra những hậu quả về lâu dài của các lợi ích trước mắt gây ra, nhiều phong trào xã hội vẫn cho rằng những đạo luật trên vẫn chưa đủ mạnh khi không đưa ra quy định về việc sử dụng đất nông nghiệp do người nước ngoài sở hữu, không có tính hồi tố, không đặt ra việc kiểm tra, rà soát những diện tích đất đã bị ngoại quốc hóa hay không phòng ngừa những biến dạng mới của hiện tượng này như “thuê dài hạn” đất trồng diện tích lớn.

Có thể thấy, trong bối cảnh giá lương thực trên thị trường thế giới ngày càng cao, mỗi tấc đất nông nghiệp (chứ không phải đất đô thị) hiện nay đều là tấc vàng. Để hạn chế tình trạng ngoại quốc hóa nguồn tài nguyên quý giá này là nỗi trăn trở chắc chắn không chỉ có riêng Mercosur.

Đỗ Văn

Tin cùng chuyên mục