Mưa lũ kéo dài làm ngập 1.715ha lúa và hoa màu tại Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh. Chiều 3-8, văn phòng có công văn gửi các địa phương đề nghị tiếp tục phòng chống mưa lũ, chủ động di dời, sơ tán người dân tại những nơi có nguy cơ cao lũ quét, lũ ống, ngập lụt.
Tính đến 17 giờ chiều 3-8, nhiều nơi có mưa rất lớn như: Tà Si Láng (Yên Bái) 141mm, An Biên (Quảng Ninh) 170mm, Yên Hưng (Quảng Ninh) 170mm, Hoành Bồ (Quảng Ninh) 140mm, Song Mai (Bắc Giang) 141mm. Dự báo, mưa lũ lớn còn kéo dài tới 5-8, có nơi trên 350mm.
Ngày 3-8, Chủ tịch UBND xã Na Mèo (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) Lương Văn Huân cho biết, mưa lũ do ảnh hưởng của Bão số 2 đã cuốn trôi đập tạm qua sông Lò khiến hàng trăm hộ dân bị chia cắt. Do đây là đập trên tuyến đường huyết mạch nên khi bị cuốn trôi đã khiến 3 bản bị cô lập là: bản Sa Ná với 78 hộ, 399 nhân khẩu; bản Son với 83 hộ, 342 nhân khẩu; bản Ché Lầu với 62 hộ, 285 nhân khẩu. 2 ngày qua mưa lũ cũng khiến cầu tạm làm bằng luồng, gỗ nối từ quốc lộ 217 vào bản Lầm (xã Trung Tiến, huyện Quan Sơn) bị cuốn trôi. 40 hộ dân với 183 nhân khẩu tại bản này đang bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Hiện chính quyền xã Na Mèo, Trung Tiến và huyện Quan Sơn đã lên kế hoạch, nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài trong vài ngày tới sẽ phải dùng thuyền đưa lương thực, nhu yếu phẩm vào giúp bà con.
Còn tại Nghệ An, do mưa lớn, để đảm bảo an toàn, thủy điện Châu Thắng (đóng tại xã Mường Nọc, huyện Quế Phong) đã phải tiến hành xả lũ với tổng lưu lượng từ 70 - 500m3/giây.
Cùng ngày, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh Ngô Đức Hợi cho biết, trên địa bàn tỉnh mấy ngày qua có mưa lớn, góp phần giúp giải nhiệt, bổ sung nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp vụ lúa hè thu, hoa màu các loại trên địa bàn sau hơn 2 tháng nắng nóng gay gắt kéo dài.
Mưa lớn giúp giải nhiệt cho khoảng 10.000ha cây ăn quả đặc sản các loại khi gần bước vào vụ thu hoạch ở huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang...; cung cấp nguồn nước sạch, nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân ở các vùng cao trên địa bàn. Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, mưa lớn những ngày qua còn cung cấp nguồn nước rất quý giá cho hàng ngàn hécta cây chè ở địa bàn các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh… đang bị khô héo, hạn hán. Đặc biệt, mưa khiến nhiệt độ hạ thấp, các áp lực nguy cơ cháy rừng giảm hẳn so với thời gian trước đó.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, tính đến 7 giờ ngày 3-8, trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn còn khoảng 737ha lúa hè thu bị ngập úng, trong đó huyện Kỳ Anh 663ha, Can Lộc 46ha, Cẩm Xuyên 28ha. Tại Nhà máy Thủy điện Hố Hô (giáp ranh giữa 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình) mực nước thượng lưu ở cao trình 67,64m, lưu lượng nước về hồ 14m3/giây; lưu lượng qua tổ máy 32m3/giây chưa xả tràn…
Như Báo SGGP đã có bài phản ánh, tại tỉnh Hà Tĩnh suốt hơn 2 tháng qua nắng nóng đỉnh điểm với nhiệt độ dao động từ 38-40oC, cá biệt có ngày lên đến 41,1oC. Nắng nóng gay gắt kéo dài đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Nhiều diện tích hoa màu, cây trồng các loại bị khô héo, chết cháy, ruộng đồng nứt nẻ, người dân thiếu nước sạch ăn uống và sinh hoạt.
Tính từ ngày 1-8 đến 3-8, tại nhiều tỉnh thành tại ĐBSCL, Bão số 2 đã gây ra mưa lớn và dông lốc mạnh, khiến hàng trăm căn nhà của người dân bị sập, tốc mái; nhiều tài sản khác bị hư hỏng. Tại Kiên Giang, mưa lớn cộng với dông lốc làm sập 104 căn nhà và tốc mái 293 căn, ước tổng thiệt hại khoảng 5,3 tỷ đồng. Còn tại Bạc Liêu, hoàn lưu bão cũng gây ra mưa, gió giật mạnh ở nhiều địa phương. Chỉ tính riêng tại huyện Hồng Dân, Bão số 2 khiến hơn 50 căn nhà hư hỏng. Một số người dân phải rơi vào cảnh màn trời chiếu đất do nhà bị sập đổ hoàn toàn.
Mưa bão cũng đã khiến 194 căn nhà tại Hậu Giang bị sập và tốc mái; trong khi tại An Giang, 19 căn nhà bị hư hỏng. Dù không chịu tác động trực tiếp từ Bão số 2, nhưng TP Cần Thơ cũng xảy ra mưa lớn kéo dài, kèm theo dông lốc mạnh khiến 17 căn nhà bị ảnh hưởng; nhiều cây xanh bị ngã đổ, xe cộ hư hỏng và mất điện cục bộ ở nhiều nơi.