Tái cấu trúc đầu tư công - cách nào?

Tái cấu trúc đầu tư công - cách nào?

“Nói và làm” do Thường trực HĐND TPHCM phối hợp với Đài Truyền hình TP thực hiện tiếp tục bàn sâu về những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ. Vấn đề làm thế nào để phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư công: làm thế nào để ngăn chặn tình trạng “bán ngoại tệ như rau bán ngoài chợ”… được mổ xẻ khá kỹ.

Giảm nhiều dự án gây lãng phí
 
Theo yêu cầu của Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân thông tin những kết quả nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội quý 1 của TP cũng như kết quả sau 1 tháng thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ: Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 10,3%; tổng thu ngân sách đạt 27% (tăng 15,6% so cùng kỳ); đầu tư nước ngoài tăng 2,8 lần, trong quý 1 thu hút 68 dự án với tổng vốn 1,3 tỷ USD.

Khách hàng chọn mua thực phẩm bình ổn giá tại Co.opMart Cống Quỳnh sáng 3-4. Ảnh: CAO THĂNG

Khách hàng chọn mua thực phẩm bình ổn giá tại Co.opMart Cống Quỳnh sáng 3-4. Ảnh: CAO THĂNG

“Kiềm chế lạm phát nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế phù hợp”, ông Lê Hoàng Quân khẳng định. Thực hiện an sinh xã hội, ngoài sự chăm lo của nhà nước, người dân cũng chia sẻ, chăm lo cho nhau. Có hơn 38.000 hộ dân cam kết không tăng giá nhà trọ, phòng giữ trẻ. Kết quả thực hiện tiết kiệm điện, chỉ trong tháng 3, TP dư khoảng 1 triệu kWh điện để điều phối cho giờ cao điểm, hoạt động sản xuất kinh doanh.

TPHCM hiện có 4,5 triệu xe gắn máy, 500.000 xe ô tô, theo tính toán nếu TP tiết kiệm mỗi ngày 2 lít xăng/ô tô và 1 lít xăng/xe gắn máy thì mỗi ngày tiết kiệm 20 - 25 tỷ đồng.

“Những số liệu này được nghiên cứu, tổng hợp để TP tiếp tục phát động phong trào trong thời gian tới”, Chủ tịch Lê Hoàng Quân nói. Cắt giảm đầu tư công cũng là một mục tiêu. Theo tính toán, trong năm 2011, TPHCM cắt giảm chi tiêu công gần 900 tỷ đồng, trong đó đã dừng lại 83 dự án với tổng vốn 440 tỷ đồng; tiết kiệm chi thường xuyên, mua sắm ô tô, thiết bị văn phòng khoảng 410 tỷ đồng...

TS Trần Du Lịch chất vấn: “Nghị quyết 11 có nêu không ứng vốn thi công cho dự án năm 2012 và cũng không ứng tiền cho những công trình năm 2010 kéo dài. TPHCM thực hiện vấn đề này như thế nào?”. Chủ tịch Lê Hoàng Quân trả lời: “Chúng tôi rà soát kỹ lắm. Dự án nào gần hoàn thành thì dồn sức thực hiện. Còn dự án nào chưa cần thiết, kiên quyết không thực hiện”. Ông ví dụ: “Đối với dự án xây dựng ký túc xá sinh viên, qua kiểm tra mới đây chúng tôi thấy đã hoàn thành được 50% - 60% nên nếu dừng lại công trình sẽ xuống cấp, sửa chữa lại còn tốn kém hơn nên chúng tôi quyết định đầu tư tiếp. Nói chung, phải căn cứ thực tế của từng dự án để xem xét, quyết định”.

Ông Trần Du Lịch đào sâu: “Có 2 loại dự án, 1 loại thực hiện nhiều năm, mỗi năm mỗi bố trí vốn. Đương nhiên chúng ta phải làm nhưng cũng có loại dự án bố trí vốn từ 2010 nhưng làm kéo dây kéo dưa gây lãng phí. Tình hình này tại TPHCM như thế nào?”. Chủ tịch Lê Hoàng Quân trả lời: “Thời gian qua, chúng tôi đã rà soát, xử lý những trường hợp này. Loại dự án này tại TPHCM cũng còn chứ không phải hết nhưng đã giảm rất nhiều rồi”.

“Tôi muốn TPHCM nghĩ cách tái cấu trúc lại đầu tư công một cách căn cơ hơn theo hướng đồng tiền bỏ chỗ nào là hiệu quả nhất. Trong đó, cần chú ý nhiều hơn đến việc lan tỏa hiệu quả trong đầu tư. Ví dụ, đầu tư cầu Phú Mỹ phải nghĩ tiếp đến là những tuyến đường lân cận. Sợ nhất là sau Nghị quyết 11 rồi tình trạng đầu tư kém hiệu quả lại tràn lan”, ông Trần Du Lịch đề xuất.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân góp ý thêm: “Đã mạnh dạn cắt giảm dự án chưa cấp bách thì tiến đến hạn chế tối đa dự án kiểu này để người dân cảm thấy tiền ngân sách được sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả”.

Bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính, thông tin thêm: Việc tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại của khối sở - ngành, quận - huyện là 196 tỷ đồng. Số tiền này trước mắt vẫn để lại cho các đơn vị, tuy nhiên khoản này chưa được giải ngân (kho bạc sẽ kiểm soát) phải chờ đến quý 3-2011 Bộ Tài chính có hướng dẫn sử dụng.

Đại biểu Lê Văn Trung hỏi: “Cắt giảm chi tiêu công, vậy các công trình dân sinh như thế nào?”. Bà Đào Thị Hương Lan khẳng định: “Việc cắt giảm không phải vô tội vạ mà phải căn cứ vào tình hình thực tế, trong đó các dự án dân sinh vẫn phải đảm bảo vốn để thực hiện phục vụ đời sống người dân”.
 
“Vốn phải chảy vào nơi mình muốn”
 
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho biết, theo kế hoạch, hôm nay (4-4), UBND TPHCM sẽ làm việc với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính để tháo gỡ vấn đề vốn, lãi suất, tỷ giá cho doanh nghiệp trên địa bàn TP (khoảng 100 doanh nghiệp dự). Mục tiêu là làm sao để đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, nhu cầu xuất khẩu cùng các nhu cầu cấp bách khác, đồng thời hạn chế tối đa vốn nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ phẩm.

Theo Chủ tịch Lê Hoàng Quân, mục tiêu của ngân hàng không phải là lợi nhuận mà góp phần ổn định ngành tài chính quốc gia. Theo Nghị quyết 11, năm 2011 tăng trưởng tín dụng phải không quá 20% nhưng TPHCM là trung tâm kinh tế của đất nước nên nếu mức tăng trưởng này giảm dưới 20% liệu có đủ vốn cho các doanh nghiệp hoạt động không? Làm sao để kéo tốc độ huy động vốn giảm phù hợp với tình hình, nếu huy động với lãi suất quá cao và cho vay quá cao cũng sẽ không có hiệu quả, là vấn đề mà TP phải tính toán.

Giá các mặt hàng thiết yếu tại TPHCM được bình ổn nhằm góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống. Ảnh: Công nhân đi chợ tại quận Bình Tân. Ảnh: CAO THĂNG

Giá các mặt hàng thiết yếu tại TPHCM được bình ổn nhằm góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống. Ảnh: Công nhân đi chợ tại quận Bình Tân. Ảnh: CAO THĂNG

Ông Trần Du Lịch góp ý: “Năm 2010, dư nợ tín dụng ở TPHCM khoảng 700.000 tỷ đồng, nếu năm nay cho phép tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 20%, tức TP sẽ có thêm 140.000 tỷ đồng. Làm sao để nguồn vốn này chảy vào đúng chỗ TP đang cần là hoạt động sản xuất kinh doanh chứ không chảy vào thị trường địa ốc, chứng khoán? Vấn đề này TP cũng phải đặt ra và bàn bạc với Ngân hàng Nhà nước: Đồng vốn này phải chảy vào cái mình muốn!”.

Cách nào để “ngăn chặn mua bán ngoại tệ như mua rau”?
 
Một vấn đề khác được TS Trần Du Lịch đặt ra là tình trạng buôn bán ngoại tệ. Ông Lịch nói: “Chuyện quản lý ngoại tệ chúng ta mới đặt ra. Thực ra cái này đã quy định rồi nhưng vì lâu nay không làm. Hiện nay tình trạng mua bán ngoại tệ, vàng miếng như mua bán rau ngoài chợ. Tình trạng này không chấp nhận được”. Theo ông, đây là trách nhiệm của Nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương - quản lý địa bàn. Phải quản lý ngoại hối như luật lệ đã quy định.

Tuy nhiên, theo ông Lịch: “Chống phải đi đôi với xây. Nếu giờ đây quản lý quá chặt người dân không dám bán thì trong trường hợp người dân cần vài trăm USD thì mua ở đâu? Vấn đề làm sao để người dân tiếp cận nguồn ngoại tệ hợp pháp cũng phải tính đến”. Một trong những giải pháp theo ông Trần Du Lịch là khuyến khích người dân sử dụng thẻ tín dụng Visa card. Vấn đề này cần bàn với Ngân hàng Nhà nước.
 
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, cho rằng: “Dùng thẻ thanh toán là hợp lý nhưng có một thực tế là hiện nay chỉ những người thu nhập khá trở lên mới dùng thẻ, còn phần lớn người dân thu nhập mức trung bình chưa tiếp cận được hình thức thanh toán qua thẻ. Chúng tôi tiếp tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện các chính sách cho người dân khi sử dụng thẻ nhằm hạn chế sử dụng tiền mặt”. Trước mắt, theo ông Dũng, nên tăng cường tuyên truyền giáo dục người dân cùng các biện pháp hành chính.

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, trước mắt nên tập cho người dân quen với việc thanh toán thẻ trong nước. “Dùng thẻ thanh toán trong nước còn lọng cọng thì làm sao sử dụng thẻ thanh toán quốc tế”, ông Ngân nói.
 
Theo Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản về việc phải đảm bảo nhu cầu nguồn ngoại tệ cho người dân khi đi du lịch, du học, khám bệnh với mức quy định cụ thể. Nhưng cuộc sống rất sinh động, nhiều phát sinh nên sẽ trao đổi với ngành ngân ngân hàng để có hướng giải quyết phù hợp.

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục