Tái chế chất thải: Xu hướng tất yếu để phát triển bền vững

Trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, việc đẩy mạnh tái chế chất thải được xem là hướng phát triển tất yếu hiện nay. Chất thải được tái chế không chỉ góp phần giảm tác động tiêu cực đến môi trường mà còn là nguyên liệu đầu vào cần thiết cho quá trình sản xuất.

Chất thải trở thành nguyên liệu

Ông Đặng Triệu Hòa, Tổng giám đốc Công ty CP Sợi Thế Kỷ, cho biết, từ năm 2016, nhận thấy làn sóng tiêu dùng xanh ngày càng phát triển mạnh, công ty đã chủ động nghiên cứu sản xuất sợi tái chế. Trong năm 2022, tỷ trọng sợi tái chế trên doanh thu của công ty đạt 52%, dự kiến sẽ đạt 64% trong năm 2023.

Thông qua việc sản xuất sợi tái chế, Công ty CP Sợi Thế Kỷ đã tái sử dụng 4,1 tỷ chai nhựa, góp phần bảo vệ đại dương khỏi rác thải chai nhựa, vốn đang là một trong những vấn đề môi trường được báo động khẩn cấp trên toàn cầu.

Ngoài ra, công ty cũng liên tục triển khai hàng loạt sáng kiến bảo vệ môi trường như tái sử dụng ống giấy (trung bình 1 ống giấy POY có thể tái sử dụng lại 3,15 lần) và tỷ lệ tái sử dụng nguyên vật liệu năm 2022 đạt 20%.

Tiếp đó, công ty cũng tái chế sợi phế thải thành hạt nhựa với dây chuyền sản xuất 1.500 tấn hạt nhựa tái sinh/năm, góp phần gia tăng lợi nhuận và cải thiện đáng kể hiệu quả tiết kiệm trong sản xuất, từ đó nâng cao lợi nhuận, giảm chi phí sản xuất của công ty và giảm phát thải ra môi trường. Nhìn chung, tỷ lệ tái chế phế phẩm của công ty chiếm hơn 90% tổng phế phẩm tạo ra trong năm 2022.

Tương tự, đại diện Công ty TNHH Dow Việt Nam cũng chia sẻ, rất chú trọng đến việc phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Theo đó, công ty đã triển khai thành công dự án trải nhựa 1,4km đường tại Khu công nghiệp DEEP C (TP Hải Phòng) từ nhựa tái chế.

Dự án tái chế chất thải nhựa làm nhựa trải đường của Công ty Dow Việt Nam

Dự án tái chế chất thải nhựa làm nhựa trải đường của Công ty Dow Việt Nam

Để triển khai dự án này, Công ty TNHH Dow Việt Nam kết hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng thu gom bao bì nhựa dẻo như màng polyethylene, sau đó làm sạch, phơi khô và nghiền nhỏ, trộn với nhựa đường asphalt ở nhiệt độ từ 150-180°C. Kết quả là đoạn đường đã được trải nhựa phẳng phiu từ hơn 6,5 tấn bao bì nhựa dẻo.

Để góp phần giảm thiểu, tái tạo vòng đời mới cho chất thải nhựa, Công ty CP nhựa tái chế Duy Tân (DTR) cũng đã đầu tư xây dựng nhà máy tái chế chất thải nhựa với công suất 100.000 tấn/năm, đặt tại tỉnh Long An. Giai đoạn 1 của nhà máy có công suất tái chế 30.000 tấn/năm đã đi vào hoạt động; giai đoạn 2 sẽ nâng công suất lên 60.000 tấn/năm, tương đương 4 tỷ vỏ chai nhựa sẽ được tái chế.

Sau khi tái chế ra các hạt nhựa tái sinh đạt chuẩn, DTR sẽ cung cấp cho các đối tác để chuyển đổi thành chai mới. Không dừng lại ở việc đầu tư dây chuyền tái chế, các loại phế phẩm phát sinh trong quá trình tái chế nhựa cũng được DTR thu gom, phân loại và xử lý tái chế triệt để.

Sớm có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều ý kiến doanh nghiệp (DN) cho rằng, công tác thực hiện tái chế chất thải đang gặp khó khăn như việc đổi mới công nghệ, đầu tư các phòng nghiên cứu và phát triển, trong khi phần lớn DN chưa đủ tiềm lực tài chính, đầu ra cho các sản phẩm tái chế lại hạn hẹp.

Bà Nguyễn Xuân Kim Phượng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dow Việt Nam, dẫn chứng, một nhà máy chuyên sản xuất vật liệu nhũ tương cho ngành sơn nội thất tại tỉnh Đồng Nai khi tiến hành xúc rửa các bồn sản xuất nhũ tương phát sinh phụ phẩm có thể đưa vào tái chế và sản xuất thành vật liệu sản xuất gạch chống thấm rất tốt. Tuy nhiên, việc thương mại hóa sản phẩm gặp khó khăn bởi phụ phẩm này bị coi là chất thải nguy hại. Vì thế, đã hơn 3 năm qua, mặc dù biết rõ sản phẩm hữu ích và có thể tái chế nhưng đơn vị vẫn không thể nào triển khai thương mại hóa được.

“Cần có những cơ chế ưu đãi, khuyến khích cho các DN có kế hoạch thực hiện tái chế chất thải đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư. Đối với những đơn vị đã và đang làm tốt công tác giảm phát thải, cần có những chính sách cụ thể để DN có động lực tiếp tục đầu tư làm tốt hơn nữa”, bà Nguyễn Xuân Kim Phượng kiến nghị.

Đồng quan điểm, TS Đỗ Thanh Bái, Chủ tịch Hội đồng trách nhiệm xã hội tự nguyện của các DN hóa chất Việt Nam, cho rằng, hiện nay, các DN thực hiện tái chế đang gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh sự chủ động, nỗ lực của các DN, cơ quan chức năng cần có những hỗ trợ ưu đãi về tài chính, tìm đầu ra cho các sản phẩm tái chế.

“Hiện chính sách về kinh tế tuần hoàn có nhiều nhưng thực tế triển khai chưa được hiệu quả, nhiều chính sách không khả thi liên quan đến chính sách thuế của Nhà nước”, TS Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN-MT) nhận định.

Do đó, theo TS Mai Thanh Dung, thời gian tới, Bộ TN-MT sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống chính sách của Nhà nước để kiến nghị hỗ trợ cụ thể cho các DN khi thực hiện việc tái chế chất thải, phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Tin cùng chuyên mục