Tai nạn lao động trong xây dựng tăng cao

Đùa với tử thần
Tai nạn lao động trong xây dựng tăng cao

Thời điểm cuối năm, nhiều công trình xây dựng ở TPHCM gấp rút thi công. Thế nhưng, nhiều chủ thầu và ngay cả công nhân lại bất chấp các quy định về an toàn lao động (ATLĐ), khiến nguy cơ tai nạn lao động (TNLĐ) tăng cao.

Công trình rào chắn sơ sài, công nhân làm việc trên cao không có phương tiện bảo hộ. Ảnh: Tuấn Vũ

Công trình rào chắn sơ sài, công nhân làm việc trên cao không có phương tiện bảo hộ. Ảnh: Tuấn Vũ

Đùa với tử thần

Dù ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra các vi phạm trong xây dựng nhưng trong năm 2011 số vụ TNLĐ trong ngành xây dựng xảy ra trên cả nước vẫn ở mức báo động. Chỉ riêng tại TPHCM, từ đầu năm 2011 đến nay đã xảy ra gần 70 vụ TNLĐ trong ngành xây dựng dẫn đến chết người, chưa kể số vụ tai nạn gây ra thương tích. Đáng nói là các vụ tai nạn này tập trung ở các công trình xây dựng có quy mô vừa và nhỏ. Càng về cuối năm, nguy cơ TNLĐ càng tăng cao do các công trình cần gấp rút thi công.

Tại khu dân cư Ao Sen, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, có hơn chục công trình nhà ở cao tầng đang xây dựng. Không khí làm việc ở các công trường này rất tất bật nhưng việc đảm bảo ATLĐ không được chú trọng. Tại công trình nhà ở 253 Tên Lửa, phường Bình Trị Đông B, dù thi công lên đến tầng 3 nhưng việc rào chắn rất sơ sài, chỗ có chỗ không. Công nhân làm việc ở tầng cao nhưng không được trang bị các phương tiện bảo hộ lao động như nón nhựa, dây da cứu sinh…

Cạnh đó, công trình xây dựng nhà biệt thự gần nút giao đường 32 và 34 cũng tồn tại nhiều mối nguy hiểm không kém. Trên công trường, ở độ cao khoảng 30m, các công nhân không đội nón bảo hiểm, dây da cứu sinh vẫn thản nhiên ngồi trên những thanh gỗ mỏng gác ngang các trụ đỡ để tô tường như đùa giỡn với tử thần.

Không những không trang bị các phương tiện bảo hộ, nhiều công trình nhà ở trên các tuyến đường 7A, 32, 34 và đường dẫn vào Bệnh viện quốc tế Thành Đô… thuộc khu dân cư Ao Sen còn bất chấp các quy định, thi công cả ban đêm.

Các công nhân ở đây nói: “Biết tăng ca thi công ban đêm làm quá sức sẽ không an toàn, nhưng vì muốn có thêm tiền trang trải dịp tết nên chúng tôi liều nhận làm. Hơn nữa ai cũng muốn công trình hoàn thành nhanh để về quê sớm”. Có nhiều công trình thi công trên cao hàng chục mét nhưng không có lưới chắn an toàn, trong khi pháp luật quy định công trình cao hơn 2m phải có lưới chắn.

Bên trong công trình nhà ở trên đường 34 vào sáng 3-12, nước thải từ các xe bồn trộn bê tông liên tục chảy ra xung quanh, ngập dưới những vũng nước là những dây điện (1 lớp vỏ thay vì 2 lớp vỏ như quy định) có nhiều mối nối. Khi được hỏi thi công thiếu an toàn thế này có sợ bị xử phạt, một giám sát công trình ở đây thản nhiên cho biết: “Trước giờ vẫn thi công vậy. Tôi làm nhiều công trình ở Bình Dương, Củ Chi… chưa hề thấy có ai đến xử phạt những lỗi vi phạm như vậy bao giờ!”.

Nâng mức phạt, tăng ý thức

Trao đổi với PV Báo SGGP về tình hình TNLĐ và giải pháp ngăn chặn hiện nay, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM, xác nhận, càng về cuối năm các vi phạm về ATLĐ tại các công trình càng diễn biến phức tạp. Để ngăn chặn, thanh tra sở đang phối hợp với các lực lượng chức năng liên ngành quyết liệt kiểm tra, xử lý các vi phạm về ATLĐ tại các công trình. Ngoài ra, hàng năm sở có tổ chức tập huấn định kỳ cho các kỹ sư, giám sát, công nhân ở các công ty sử dụng lao động nhằm tăng cường kiến thức chuyên môn về ATLĐ trong xây dựng. Đồng thời có những biện pháp tuyên truyền để công nhân ở các công trường xây dựng nâng cao ý thức chấp hành các quy định về ATLĐ. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ hạn chế được phần nào số vụ TNLĐ xảy ra.

Theo ông Việt, hàng loạt vụ TNLĐ xảy ra gần đây đều do ngã từ trên cao, điện giật, vật liệu đè. Nguyên nhân trực tiếp là do người sử dụng lao động và bản thân người lao động chưa ý thức được mối nguy hiểm trong xây dựng. Dù quy định đã có nhưng hiếm khi người lao động chấp hành. “Do đó, để hạn chế TNLĐ xảy ra, hơn ai hết bản thân người lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng phải tự ý thức, nghiêm túc chấp hành các quy định về ATLĐ để đảm bảo an toàn cho bản thân mình và đồng nghiệp, cũng như xã hội” - ông Việt khuyến cáo.

Hiện nay mức phạt cao nhất đối với các lỗi vi phạm về ATLĐ quy định trong Nghị định 47 của Chính phủ chỉ 20 triệu đồng, mức phạt này cần được điều chỉnh tăng cao để đủ sức răn đe đối với các công ty, nhà thầu vi phạm.

Tuấn Vũ

Tin cùng chuyên mục