Tâm huyết của nghệ sĩ trẻ trong “giai điệu mùa thu 2006”

Tâm huyết của nghệ sĩ trẻ trong “giai điệu mùa thu 2006”

Tài năng trẻ trong nghệ thuật hàn lâm là vốn quý của đất nước, là kết quả đào tạo của nhiều thế hệ và đã trở thành một nhân tố căn bản trong sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của TPHCM và đất nước.

Cuộc tập hợp các bạn trẻ tài năng đang học tập, làm việc trong nước và nước ngoài về cùng xây dựng một chương trình biểu diễn tại Nhà hát TPHCM lần này đúng là một cuộc trình diễn hoành tráng, mang ý nghĩa xã hội và nghệ thuật to lớn, đem lại những ấn tượng tốt đẹp, đồng thời khẳng định niềm tin và hy vọng đối với nền nghệ thuật Việt Nam.

Từ thành công của chương trình “Giai điệu mùa thu 2005”, Sở VH-TT chỉ đạo Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch TPHCM quyết tâm xây dựng ý tưởng này thành một chương trình hàng năm. “Giai điệu mùa thu 2006” quy tụ 18 tài năng trẻ đang công tác và học tập tại TPHCM cũng như ở nước ngoài về biểu diễn trong 3 đêm 18, 19-8 (Nhà hát TP) và 20-8-2006 (NVH Thanh niên). Chúng tôi đã gặp gỡ họ ngay tại sàn diễn tập và ghi nhận được đôi điều tâm huyết về nghệ thuật:

Tâm huyết của nghệ sĩ trẻ trong “giai điệu mùa thu 2006” ảnh 1

- Đặng Linh Nga (Bắc Kinh - Trung Quốc): Nga cảm thấy rất hạnh phúc và vui mừng được về biểu diễn tại TPHCM để báo cáo quá trình phấn đấu, kết quả học tập và rèn luyện của mình. Gia đình, tình cảm và tấm lòng của khán giả chính là nguồn cổ vũ to lớn để Nga tiếp tục phát huy trên bước đường nghệ thuật. Đấy là điểm tựa vững chắc của tài năng.

Ở Trung Quốc, Nga đã đoạt giải nhì cuộc thi múa “Dân gian - tập thể” các trường múa chuyên nghiệp toàn Trung Quốc năm 2001 tại Hàng Châu, giải nhất múa đôi với tiết mục “Đêm hè” và giải nhì cuộc thi “Tân Tú Bôi” do trường múa Quảng Đông tổ chức. Tại cuộc thi múa toàn Trung Quốc “Đào Lý Bôi” năm 2003, Nga đoạt giải “Diễn viên ưu tú” và đoạt giải “Diễn viên xuất sắc” các trường Đại học Nghệ thuật Bắc Kinh tháng 4-2005.

Tâm huyết của nghệ sĩ trẻ trong “giai điệu mùa thu 2006” ảnh 2

- K’long Hagim (dân tộc K’Hor) TPHCM: Tôi vinh dự được tham gia chương trình “Giai điệu mùa thu 2006” này. Ở nước mình, bây giờ ai có tài cũng được trân trọng làm chúng tôi rất phấn khởi. Bà con các dân tộc ở Tây Nguyên rất vui cái bụng khi những đứa con của mình thành đạt trong nghệ thuật, biết ca hay, múa giỏi, trong đó tôi có đóng góp một phần.

Tôi đoạt giải 3 cuộc thi Tiếng hát thính phòng toàn quốc lần II tại Hà Nội năm 2000 và đã được nhà nước cử đi học bồi dưỡng ở nước Anh 1 tháng. Năm 2002 tốt nghiệp đại học loại xuất sắc khoa thanh nhạc Nhạc viện TPHCM và lại được Nhà nước cho đi học bồi dưỡng chuyên môn 1 tháng ở Pháp.

Điều này cho thấy người dân tộc thiểu số ở Việt Nam rất được ưu tiên. Năm 2004, tôi hát solo trong vở nhạc kịch “Chào Bella”. Tôi sẽ tiếp tục phấn đấu hết mình để cảm ơn Nhà nước và hết thảy bà con đã ủng hộ, cổ vũ tiếng hát người dân tộc thiểu số, trong đó có tôi.

Tâm huyết của nghệ sĩ trẻ trong “giai điệu mùa thu 2006” ảnh 3

- Văn Hùng Cường (Cleveland, Mỹ): Năm nay chương trình được tổ chức phong phú hơn năm trước, có thêm những tài năng trẻ mới ở các quốc gia trên thế giới cùng hội tụ về đây. Tôi rất hy vọng về triển vọng lớn của âm nhạc hàn lâm Việt Nam trong tương lai.

Và cũng mong chương trình năm sau sẽ được tổ chức quy mô hơn, ví như một Festival âm nhạc hàn lâm vậy. Riêng cá nhân mình, Hùng Cường đã đoạt huy chương vàng cuộc thi piano thế giới Cincinnati, bang Ohio, giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frina Awerbuch ở New York. Trong thời gian tới, Hùng Cường sẽ bắt đầu chương trình làm luận án tiến sĩ chuyên ngành Piano và Chỉ huy Giao hưởng – Nhạc kịch.

Tâm huyết của nghệ sĩ trẻ trong “giai điệu mùa thu 2006” ảnh 4

- Tạ Tôn (San Francisco, Mỹ): Tôi cảm thấy tự tin, hạnh phúc và tự hào về nghệ thuật Việt Nam đang sánh vai với dòng nghệ thuật hàn lâm của thế giới. Đây là lần thứ hai tôi về nước tham gia chương trình “Giai điệu mùa thu”, song vẫn cảm nhận được niềm vui, rất vui của mình cùng các bạn trẻ khi được trở về quê hương, cùng góp mặt, góp sức, biểu diễn hết mình trên sân khấu.

Đặc biệt chương trình năm nay được BTC dành riêng một đêm diễn miễn phí dành cho giới trẻ tại NVH Thanh niên vào tối 20-8. Đó là một điều bất ngờ, là nhịp cầu giới thiệu nghệ thuật âm nhạc hàn lâm đến với công chúng trẻ. Sau chương trình, Tạ Tôn lại phải khẩn trương trở về trường để tiếp tục việc học chương trình thạc sĩ âm nhạc Nhạc viện San Francisco.

Tôi mong muốn và luôn nghĩ rằng thanh niên TP vốn nhạy cảm sẽ ngày càng tiếp cận với đỉnh cao của nghệ thuật Việt Nam và những tinh hoa nghệ thuật trên thế giới. 

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục