Tấm lòng anh thương binh với người khốn khó

Đến ấp Trung Đông xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn TPHCM hỏi thăm anh Võ Văn Tâm ai cũng biết, vì anh là tấm gương thương binh cần cù lao động vươn lên bằng sức lao động chân chính. Hơn nữa, anh còn là một “thầy lang vườn” có tấm lòng biết cảm thông, chia sẻ nỗi cơ cực với người nghèo khó…
Tấm lòng anh thương binh với người khốn khó

Đến ấp Trung Đông xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn TPHCM hỏi thăm anh Võ Văn Tâm ai cũng biết, vì anh là tấm gương thương binh cần cù lao động vươn lên bằng sức lao động chân chính. Hơn nữa, anh còn là một “thầy lang vườn” có tấm lòng biết cảm thông, chia sẻ nỗi cơ cực với người nghèo khó…

  • Chỗ dựa của người nghèo

Gian phòng khách rộng chưa đầy 20m² phía trước nhà thầy Tâm buổi chiều hôm chúng tôi đến rất nhộn nhịp. Phía trong có khá nhiều bệnh nhân đang ngồi xếp hàng chờ được bốc thuốc. Bên chiếc kệ gỗ nhiều tầng dùng để các hũ đựng thuốc nam và dụng cụ hỗ trợ chữa bệnh theo phương pháp cổ truyền, anh Tâm đang chậm rãi múc từng muỗng thuốc bột bằng lá cây phơi khô tán nhuyễn rải đều lên dải băng gạc bằng vải trắng. Hỏi ra mới biết anh đang chuẩn bị băng bó vết thương cho bà cụ già ngồi đợi trên chiếc ghế cao bên cạnh. Bắt chuyện với bà cụ, bà vui vẻ cho hay mình ngụ tại ấp Thới Tứ bên kia đường cách nhà anh Tâm chỉ hơn trăm mét.

Thầy Tâm (bên phải) đang bó thuốc cho bệnh nhân. Ảnh: LÃ VĂN CƯỜNG

Thầy Tâm (bên phải) đang bó thuốc cho bệnh nhân. Ảnh: LÃ VĂN CƯỜNG

Do nhà quá khó khăn, không có tiền đi bệnh viện điều trị nên bà đành ra trạm xá băng bó tạm, sau đó mỗi ngày sang nhờ thầy Tâm chăm sóc vết thương. “Nhìn bà cụ lê bước chân đau đớn, chậm chạp rất tội nghiệp nên tôi nói con cháu đưa cụ sang bó thuốc” - anh Tâm vừa quấn băng vừa nói. Băng xong, anh lại cẩn thận đỡ bà đứng dậy. Như một phản xạ bà cụ đưa tay móc từ trong túi chiếc áo bà ba cũ sờn ra tờ giấy bạc 50 ngàn đồng dúi lấy dúi để vào tay ân nhân của mình, còn ông thầy lang thì nằng nặc xua tay kiên quyết từ chối, miệng khuyên bảo: “Bà để tiền mua đồ ăn bồi dưỡng sức khỏe, hết thuốc cứ sang đây tôi bốc cho”.

Giằng co mãi không được, bà đành “thúc thủ”, gật đầu cảm ơn rối rít rồi khập khiễng bước ra cửa. Vừa đi, cụ vừa ngoái đầu lại cười móm mém nói với chúng tôi: “Lần nào qua ổng cũng cho thuốc không lấy tiền, tui ngại quá”.

Như sợ người khác chen vào mất lượt, vừa thấy bà cụ đứng dậy rời ra, một người phụ nữ nhanh chóng chồm lên kéo tay cậu con trai trạc 15 tuổi đầu gối trầy xướt ngồi phắt xuống chiếc ghế dành cho bệnh nhân. Ông thầy chưa kịp hỏi thăm bệnh tình, chị phụ nữ đã nhanh nhảu phân bua rằng con mình chẳng may bất cẩn bị ngã xe máy trật đầu gối, nghe người quen giới thiệu thầy Tâm bó thuốc rất hay nên chị nhờ người chỉ đường tìm đến nhờ thầy giúp. Rửa xong vết thương cho cậu bé, thầy Tâm lại tra thuốc đắp lên vết thương, băng bó cẩn thận.

Xong xuôi mọi việc, biết thầy không lấy tiền, chị phụ nữ và đứa con trai chỉ còn biết đến trước mặt khoanh tay, gật đầu cảm ơn. Tuy nhiên, hình ảnh cảm động nhất ngày hôm ấy là việc một người đàn ông tuổi ngoài 50, sau khi được băng bó vết thương khớp đầu gối, đã đứng dậy trao cho thầy Tâm một bó nhang, giọng nghẹn ngào: “Nhà tôi nghèo không có gì tạ thầy, chỉ có bó nhang này xin thầy nhận để dành thắp hương bàn thờ ông bà”.

  • Kinh nghiệm từ quân ngũ

Gần sụp tối, khách đến cũng bắt đầu ngớt, lúc này chúng tôi mới có dịp tiếp cận vị ân nhân của rất nhiều bệnh nhân và người nghèo này. Nói về chuyện bốc thuốc miễn phí cùng những việc làm nhằm san sẻ nỗi cơ cực với người nghèo mà anh thực hiện nhiều năm qua, ông “thầy lang vườn” chân tình cho biết là mình đã tự học cách chữa bệnh bằng các loại cây cỏ từ thời còn đi bộ đội, đồng thời nhiều lần giúp đồng đội và người dân Campuchia chữa các bệnh thông thường như ghẻ lở, ho, đau dạ dày… bằng phương pháp dân gian nhưng rất hiệu quả.

Rời quân ngũ, đầu thập niên 90, ngoài chuyện tất bật mưu sinh, thời gian rỗi anh tự mình đạp xe đi khắp nơi tìm kiếm các tài liệu, sách vở viết và hướng dẫn cách chữa bệnh bằng cây thuốc cũng như các biện pháp sơ cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp. Nhiều lần chứng kiến tình cảnh đau đớn éo le của người dân nghèo, chẳng may lâm bệnh không có tiền uống thuốc anh Tâm quyết định vận dụng kiến thức cùng kinh nghiệm từ quá trình tự mày mò, học tập cách chữa bệnh theo phương pháp đông y chữa bệnh miễn phí cho bà con nghèo ngay tại nhà mình.

Hiện tại, mỗi tháng anh đều trích vài trăm ngàn đồng từ tiền lương thương binh ra tận khu vực bán đông dược ở quận 5 mua các loại dược thảo về phục vụ công việc chữa bệnh từ thiện của mình. Hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân nghèo đến nhờ thầy Tâm chữa bong gân, trật khớp, giời leo, quai bị… có hôm lên đến gần 30 người. Thậm chí có khi đã 9-10 giờ đêm có người gõ cửa thầy Tâm vẫn sẵn sàng tiếp đón. Đối với những cụ già neo đơn đau yếu, nằm một chỗ không đi được, ông thầy không ngần ngại bốc thuốc mang đến tận nơi chỉ bảo cách sử dụng, đồng thời còn cho gạo, tiền giúp họ chèo chống trong cơn bĩ cực.

Gần 1 tiếng đồng hồ trò chuyện, chúng tôi thật sự thán phục người cựu binh giàu lòng nhân ái này. Bản thân là thương binh 4/4, trong người vẫn còn nguyên 4 mảnh đạn, tai bị lãng một bên do hậu quả của bom mìn chiến tranh, mỗi lúc chuyển mùa vết thương cũ lại hành hạ gây đau đớn. Tuy nhiên, thương tật đã không thể đánh gục ý chí vươn lên giúp mình, giúp đời trong anh. Tiễn chúng tôi ra đầu đường, anh Tâm đưa đôi tay chai sạn, rắn rỏi siết chặt bộc bạch: “Còn sức khỏe ngày nào thì tôi còn giúp đỡ người nghèo vượt qua bệnh tật. Sắp tới nếu có cơ hội được hỗ trợ thêm từ các nhà hảo tâm khác tôi sẽ mở rộng quy mô khám chữa bệnh từ thiện”.

MAI NGUYỄN – ĐỨC CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục