Lật lại nhật ký, tôi mới nhớ lại lúc đến tư gia thăm nhà văn Trang Thế Hy là vào ngày 10-10-2011. Lúc đó, tập sách Sơn Nam - Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê do tôi biên soạn vừa in xong.
Đơn vị xuất bản là NXB Kim Đồng đã thực hiện nghĩa cử tặng một số sách tại nhà lưu niệm của nhà văn Hương rừng Cà Mau ở Tiền Giang. Trên đường về, chúng tôi rủ nhau tạt qua thăm nhà văn Trang Thế Hy.
Ngồi trước vòm cây xanh, gió thoáng mát, anh em báo chí, xuất bản đã có cuộc trò chuyện thân mật. Và tôi còn nhớ rằng, qua sự quan sát ông, tôi mới thấy nhận xét của nhà thơ Cao Xuân Sơn là chính xác. Rằng, trong cuộc hàn huyên thân mật ấy, thỉnh thoảng, tác giả Vết thương thứ 13 lại tỏ ra quan tâm đến các chị em nhiều hơn một chút. “Đó là tính cách của người am hiểu văn hóa, văn chương Pháp, thường hay galant phụ nữ”. Sơn nói đúng. Ở gương mặt chân thành, đôn hậu ấy, lời nói nhỏ nhẹ nhưng hai con mắt sáng đã toát lên sự điềm đạm, lịch lãm của một người từng trải, thanh lịch.
Nhà văn Trang Thế Hy
Dù viết sớm, nổi tiếng sớm nhưng mãi đến năm 1964, ông mới in tác phẩm đầu tay Nắng đẹp miền quê ngoại. Có lẽ cũng cần nhắc lại, một trong những truyện ngắn tạo nên dấu ấn Trang Thế Hy chính là Anh Thơm râu rồng được giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội VHNT Giải phóng (1960-1965). Thế nhưng bẵng đi thời gian dài, đến năm 1981, ông mới “tái xuất giang hồ” với tập truyện ngắn Mưa ấm.
Có thể nói, tác giả Người yêu và mùa thu viết không nhiều. Chính ông tự nhận: “Tuổi đời và tuổi nghề khá cao nhưng số lượng tác phẩm lại quá mỏng: chưa đầy 20 bài thơ, khoảng trên dưới nửa trăm truyện ngắn, chừng 4 hay 5 tiểu thuyết, truyện vừa in nhiều kỳ trên nhật báo, tuần báo, tạp chí”. Dù viết ít, nhưng văn chương của ông vẫn cứ lừng lững trong nền văn học Việt Nam hiện đại, bởi lẽ hơn ai hết ông tự ý thức, rất ý thức đến sứ mệnh của người cầm bút. Nói gì thì nói, với Trang Thế Hy đó chính là Nợ nước mắt - tên một tác phẩm được giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam (1991). Vì thế, ông viết kỹ, cẩn trọng với từng chữ. Không quá lời, khi có nhiều nhà nghiên cứu ghi nhận sự cẩn trọng trong từng con chữ ở Trang Thế Hy cũng nhọc công không kém gì “ông vua tùy bút” Nguyễn Tuân.
Ngày về Bến Tre thăm ông, thú thật, lần đầu tiên tôi mới biết nhà văn Trang Thế Hy làm khá nhiều thơ. Điều thú vị nhất, lúc đó, ông khiêm tốn, nhã nhặn không đọc thơ ông như chúng tôi yêu cầu mà ông đọc thơ của Tagore, lại bằng… tiếng Pháp. Thử tưởng tượng, ở một vùng quê nghèo, chiều xế bóng, ríu rít tiếng chim ca, bươm bướm bay thấp thoáng trên nhành đào, cây bưởi lại nghe du dương ngôn ngữ của Victor Hugo, Lamartine… thì còn gì thú vị hơn? Khi làm thơ, Trang Thế Hy thường ký bút danh Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Song Diệp, Văn Minh Phẩm… và chắc chắn bạn đọc khó quên bài thơ Đắng và ngọt. Tháng 9-1969, khi đang là chủ bút tờ báo Vui sống, nhà văn Bình Nguyên Lộc đọc bản thảo tập thơ này, cảm thấy cái tựa “chưa tiêu biểu cho cái vị đa tố chất của cuộc đời” nên đổi lại Cuộc đời.
Lâu nay, thường có nhận xét người Nam bộ xuề xòa, hòa đồng, vui vẻ thân thiện, thường giúp đỡ những ai yếu thế… Điều này đúng, nhưng với nhà văn Trang Thế Hy có lẽ phải bổ sung thêm một tính cách nữa. Đó là sự trực tính, không uốn éo, không “bẹo hình bẹo dạng”, không cưa sừng làm nghé, không lập lờ. Một khi đã cảm thấy mình không còn phù hợp, thích hợp với nơi đó nữa thì tự nhủ “đi chỗ khác chơi” - cũng là một câu nói nổi tiếng của ông. Ông từng bảo: “Khi biết mình không viết được nữa thì đi chỗ khác chơi. Đừng bẹo hình bẹo dạng ở chốn trường văn trận bút để bắt độc giả lỡ yêu mến mình đọc những lời lếu láo”. Đó cũng chính là bản lĩnh và sự tự trọng của một nhà văn chân chính.
Biết như thế, hiểu như thế để thấy rằng, hầu hết các truyện ngắn của ông, dù viết về đề tài gì, nhưng ẩn sâu ở đó chính là quan niệm về nghề. Thấp thoáng đâu đó, ông cũng nêu lên trách nhiệm của ngòi bút, từ Một thiếu nữ không đáng kể, Chút hào quang từ mảnh vỡ, Một nghệ sĩ buồn thích đùa… đến Rác và hoa, Tiếng hát và tiếng khóc vẫn là sự đau đáu, tự vấn về sứ mệnh của người cầm bút. Chẳng hạn, khi chàng nghệ sĩ nghèo nghe lời tâm sự của người đàn bà bán thuốc lá bên vỉa hè mà tự nhủ: “Tôi nghe đó là lời răn dạy rất nghiêm, có giá trị thức tỉnh cao của một hiện thực đau buồn nhắc nhở người cầm bút đừng bao giờ đánh mất cái điểm tựa đáng tin cậy của mình, là nỗi khổ đau lớn của đám đông thầm lặng”.
Suy nghĩ này, xuyên suốt trong sự nghiệp của Trang Thế Hy. Theo nhà thơ Cao Xuân Sơn, người có thời ở chung với nhà văn Trang Thế Hy tại căn hộ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa chừng 20 năm trước, sinh thời nhà văn thường ngâm hai câu thơ của Nguyễn Du: “Cổ kim hận sự thiên nan vấn/Phong vận kỳ oan ngã tự cư” (tạm dịch: Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi/ Cái án phong lưu khách tự mang). Âu đó cũng là tấm lòng của một “người hiền Nam bộ” vậy.
LÊ MINH QUỐC