Tạm ngừng phiên tòa Vinasun kiện Grab Taxi để thu thập thêm chứng cứ

Ngày 7-2, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ kiện “Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Corp., còn được biết đến là Taxi Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi (Grab Taxi) tiếp tục làm việc.
Tạm ngừng phiên tòa Vinasun kiện Grab Taxi để thu thập thêm chứng cứ

Theo trình bày của người bảo vệ quyền lợi cho Vinasun, GrabTaxi  không chỉ là đơn vị cung ứng phần mềm kết nối như đã giải trình với các cơ quan chức năng của Việt Nam. Thực tế, Công ty GrabTaxi đã trực tiếp kinh doanh, trực tiếp điều hành xe, chỉ định tài xế đón khách, quyết định giá bán, điều chỉnh tăng giảm giá bán, tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mãi cho khách hàng; thưởng điểm cho tài xế chạy nhiều chuyến nhằm chiêu mộ, thu hút lái xe; xử phạt các tài xế có hành vi vi phạm quy chế do Công ty GrabTaxi đặt ra; kết nối với một số ngân hàng để giúp lái xe vay tới hơn 90% giá trị xe. Phía VinaSun phân tích thêm: khi khách hàng đặt xe và sử dụng dịch vụ Công ty GrabTaxi thì sẽ thanh toán bằng cách chuyển tiền thẳng từ tài khoản của khách hàng vào tài khoản của Công ty GrabTaxi, điều này đã khẳng định khách hàng thanh toán cho dịch vụ vận chuyển chứ không phải thanh toán cho việc thuê phần mềm dịch vụ; và khi đăng ký tham gia, tài xế trực tiếp nộp hồ sơ cho Công ty GrabTaxi. Khi tham gia, tài xế được cấp một tài khoản để nộp tiền vào công ty, nếu tài khoản không đủ mức tiền theo quy định thì tài xế không được nhận các chuyến đặt xe từ người sử dụng dịch vụ Grab Taxi. Hơn nữa, nếu là doanh nghiệp cung cấp phần mềm ứng dụng kết nối giữa đơn vị vận tải và khách hàng, không có lý do gì Công ty GrabTaxi đứng ra mua bảo hiểm dân sự tự nguyện cho lái xe và hành khách đi xe với mức bồi thường lên đến 100 triệu đồng cho mỗi người hoặc 800 triệu đồng cho mỗi tai nạn.

Trong khi đó, phía bị đơn khẳng định hoạt động kinh doanh Grab Taxi là hoạt động cung ứng ứng dụng khoa học công nghệ quản lý kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng được Bộ GTVT cấp phép theo chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. “Giả sử Grab Taxi có vi phạm các điều kiện về kinh doanh vận tải, kinh doanh taxi thì Vinasun cũng chưa đưa ra được bằng chứng chứng minh đó là nguyên nhân dẫn đến việc Vinasun bị giảm lượng khách hàng”, đại diện Công ty GrabTaxi nói. Đối với cáo buộc Grab Taxi thực hiện không đúng đề án thí điểm được Bộ GTVT cho phép, đại diện Công ty GrabTaxi cho rằng việc xác định Grab Taxi có tuân thủ đúng đề án thí điểm hay không là thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT; và phía Vinasun cũng đã không cung cấp được bằng chứng nào chứng minh việc Grab Taxi vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện đề án thí điểm. Tương tự, đối với cáo buộc Grab Taxi vi phạm pháp luật về khuyến mại, đại diện Công ty GrabTaxi nói: việc xem xét hành vi khuyến mại có đúng luật hay không thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước, phía Vinasun chưa cung cấp được bất kỳ quyết định xử phạt nào của các cơ quan có thẩm quyền về hành vi này đối với Grab Taxi.

Sau khi đại diện 2 phía trình bày, chủ tọa phiên tòa công bố tạm ngừng phiên tòa để hội đồng xét xử thu thập bổ sung chứng cứ. Thời gian mở lại phiên tòa sẽ được thông báo sau.

Tin cùng chuyên mục