Quảng Nam

Tan tác làng Yều

Tan tác làng Yều

Vượt gần 100 cây số từ Đà Nẵng, chúng tôi tìm về làng Yều, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam – nơi có 168 người dân tộc Cơtu đang sống trong cảnh màn trời, chiếu đất sau bão số 6 và có nguy cơ bị đói trong thời gian tới.

Làng Yều nằm cách trung tâm xã miền núi Đại Hưng khoảng chừng 10 cây số. Rơm rác còn treo trên đầu ngọn cây như một minh chứng cho làng vừa trải qua cơn lũ lớn. Sau cơn bão số 6, làng Yều chỉ còn là một đống đổ nát. 35 căn nhà còn thơm mùi vôi vữa đã sụp đổ gần như hoàn toàn. Làng chỉ còn lại vài người ngơ ngác nhìn đống đổ nát. Số còn lại họ đã trở về làng cũ, nơi núi cao cách đó khoảng chừng 6 cây số để dựa vào rừng kiếm sống.

Tan tác làng Yều ảnh 1

3 mẹ con chị A Lăng Thị Brơ bên căn nhà đổ nát do bão số 6 gây ra.

Theo chân một cán bộ xã Đại Hưng, có mặt tại làng Yều vào sáng ngày 10-10, chúng tôi gặp chị A Lăng Thị Brơ cùng hai đứa con nhỏ đang ngồi chống cằm tựa lưng vào tường. Chị cùng chồng là A Lăng Điệp và 3 đứa con vừa được chính quyền địa phương vận động từ bỏ tập tục đốt nương làm rẫy xuống ở tại một khu nhà mới để làm ăn sinh sống cùng đồng bào người Kinh cũng như dễ bề cho con cái ăn học.

Thế nhưng, chỉ vừa đến ở nhà mới chừng một tháng, cơn bão số 6 ập đến và cả làng trở nên tan hoang. Chị A Lăng Thị Brơ than thở: “Nhà nước xây cho mình cái nhà, mình vừa xuống đây ở để con đi học cho gần, nay sắp phải trở lại rừng thôi vì nhà đã sập rồi. Chồng mình nó trở lại rừng rồi.

Từ bữa nhà sập đến giờ, nhà mình được nhà nước cho 25 ký gạo nên cái bụng cũng được no. Nhưng gạo sắp hết rồi, cái bụng nhà mình chuẩn bị đói rồi, chắc cũng phải về rừng làm rẫy thôi!”.

Cùng cảnh ngộ, 5 người trong gia đình ông A Lăng Sự cùng hàng trăm người dân Cơtu làng Yều phải về lại làng cũ để sinh sống vì nhà đã đổ nát. Cả già làng A Lăng Vương cũng đã rời làng.

Ông Nguyễn Khắc Xuyên – Bí thư Đảng ủy xã Đại Hưng cho biết, trước đây 168 người dân làng Yều ở trong rừng sâu và sống dựa vào nương rẫy. Cách đây 1 năm, theo Chương trình 134 của Chính phủ, huyện, tỉnh và địa phương đã xây dựng 35 căn nhà với trị giá mỗi căn 17 triệu đồng.

Cực khổ lắm mới có thể vận động bà con xuống ở, vậy mà, vừa chuyển xuống ở chỉ được vài hôm thì bão đến san bằng. Cả làng chỉ còn lại 3 căn nhà. Cái khó hiện nay là địa phương chỉ có thể trợ cấp gạo cho người dân khỏi đói chứ chẳng có cách gì giúp bà con ổn định cuộc sống vì xã không có kinh phí.

Cho đến nay, làng Yều cũng chưa hề nhận được sự trợ giúp nào từ các cấp chính quyền cũng như các tổ chức, cá nhân. Nhà sụp, công việc không có, 35 hộ dân Cơtu lại quay về với phát nương, làm rẫy và nguy cơ bị đói là rất cao. Chính quyền địa phương bất lực, chỉ biết đau xót đứng nhìn…

Báo SGGP hỗ trợ 105 triệu đồng cho 35 hộ dân tộc Cơtu ở làng Yều xã Đại Hưng

Ngay sau khi phóng viên Báo SGGP có bài viết phản ánh về tình hình khó khăn, nhà bị sập do bão, 35 hộ đồng bào dân tộc Cơtu với 168 nhân khẩu ở Làng Yều, xã Đại Hưng không còn nhà ở, đang đứng trước nguy cơ bị đói ăn, Báo SGGP đã quyết định chuyển gấp 105 triệu đồng đến xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam để kịp thời cứu trợ các gia đình này.

PV Báo SGGP sẽ cùng chính quyền địa phương trực tiếp trao tiền đến tận tay bà con trong thời gian sớm nhất.

Y.P.

NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục