Thái Lan

Tân Thủ tướng Surayud Chulanont tuyên thệ nhậm chức

Phê chuẩn hiến pháp lâm thời
Tân Thủ tướng Surayud Chulanont tuyên thệ nhậm chức

° Phê chuẩn hiến pháp lâm thời

Tân Thủ tướng Surayud Chulanont tuyên thệ nhậm chức ảnh 1
Tân Thủ tướng Thái Lan Surayud Chulanont

Theo Bangkok Post ngày 1-10 vào lúc 17 giờ 5 phút (giờ địa phương) đưa tin: Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej đã chính thức công nhận ông Surayud Chulanont, cựu Tư lệnh quân đội, cựu Tư lệnh lục quân Thái Lan, Ủy viên Hội đồng cơ mật Hoàng gia Thái Lan, là tân Thủ tướng lâm thời Thái Lan. Tân Thủ tướng lâm thời Surayud Chulanont, 62 tuổi, rời quân ngũ vào năm 2003, là một trong vài nhân vật cấp cao được cả lãnh đạo quân đội và dân sự Thái Lan yêu mến.

Tân Thủ tướng Thái Lan Surayud Chulanont tuyên bố tại lễ nhậm chức rằng, ông sẽ cần một tuần để bổ nhiệm nội các của mình và tập trung vào hạnh phúc của quốc gia, hơn là Tổng thu nhập quốc nội (GDP). Ông muốn thành lập một chính phủ với các thành phần trung lập, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ của một chính phủ lâm thời theo quy định một năm. Nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn trước mắt là xây dựng mối đoàn kết và hòa giải dân tộc, phát triển kinh tế, cải cách chính trị, giải quyết vấn đề miền Nam…

Cũng trong ngày 1-10, Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej đã phê chuẩn bản hiến pháp lâm thời được giới quân sự ủng hộ. Theo đó, các lãnh đạo vụ đảo chính hôm 19-9 được trao các quyền lực quan trọng cho đến khi diễn ra các cuộc bầu cử theo cam kết dự kiến vào cuối năm 2007. Hiến pháp lâm thời có hiệu lực ngay lập tức.

Theo Hiến pháp lâm thời, Hội đồng cải cách dân chủ (CDR) đổi tên thành Hội đồng an ninh quốc gia, cơ quan có quyền giám sát các vấn đề an ninh, bổ nhiệm và cách chức thủ tướng, cơ quan lập pháp và các vị trí quan trọng khác. Chủ tịch Hội đồng cải cách dân chủ (CDR) Boonyaratglin Sonthi đã công bố thành phần mới của Ủy ban điều tra tài sản của các quan chức bị cáo buộc tham nhũng.

Trong một diễn biến khác, ngày 1-10, Tướng Sonthi Boonyaratglin cho biết Hội đồng Quân sự Thái Lan đã trả tự do cho bốn phụ tá hàng đầu của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Bốn người này gồm Chidchai Vanasatidya, Prommin Lertsuradej, Newin Chidchob và Yongyut Tiyapairat đã bị bắt trong cuộc đảo chính ngày 19-9.

T.H. - P.A. (Theo Bangkok Post, THX)

Một số nội dung chính của Hiến pháp lâm thời 

Hiến pháp lâm thời gồm 39 điều, đảm bảo các quyền con người cơ bản, quy định thành lập nội các với 36 thành viên, Cơ quan lập pháp nhằm thông qua các luật và giám sát chính quyền. Hiến pháp lâm thời cũng quy định về việc thành lập một hội đồng gồm 2.000 đại diện để lựa chọn ra một ủy ban soạn thảo Hiến pháp mới. Trong Hiến pháp lâm thời quy định rõ những điều khoản quan trọng sau:
- CDR có quyền cách chức thủ tướng và 35 thành viên nội các chính phủ sắp tới.
- CDR có quyền triệu tập các cuộc họp nội các và tư vấn cho chính phủ về các vấn đề an ninh.
- Quốc hội gồm 250 thành viên sẽ được bầu theo các nhóm chuyên gia, các khu vực địa lý và các lĩnh vực khác trong xã hội.
- CDR có quyền đưa ra quyết định cuối cùng trong việc lựa chọn chủ tịch quốc hội và bầu chọn một ủy ban gồm 100 thành viên phụ trách việc soạn thảo bản hiến pháp tiếp theo.
- Ấn định thời hạn trong vòng 180 ngày phải hoàn tất bản hiến pháp mới và tiếp sau đó một cuộc trưng cầu ý dân về bản hiến pháp này sẽ được tổ chức trong vòng 30 ngày.

Tin cùng chuyên mục