Tản văn: Cuối năm

Anh Đào
Tản văn: Cuối năm

Trời bắt đầu se lạnh, tiết lạnh mà dân Hà Nội gọi đùa là cái lạnh giả vờ, nhưng cho dù giả vờ cũng khiến cho người Sài Gòn thật dễ chịu với tiết lạnh hiếm hoi mà chỉ những tháng cuối năm mới có. Dù sao thì cũng đủ cho các cô gái Sài Gòn khoe những chiếc áo lạnh đủ màu đủ kiểu, các cô có dịp choàng những chiếc khăn mỏng cho thêm phần yểu điệu duyên dáng. Những đôi lứa chở nhau đi làm trong buổi sớm lành lạnh chợt thấy không khí rộn rịp ngày thường bỗng trở nên lãng mạn, trữ tình rồi tự nhiên họ ngồi sát nhau hơn, câu chuyện trên đường bỗng trở nên đầm ấm, rộn rã hơn.

Minh họa: Anh Đào

Minh họa: Anh Đào

Nhịp sống Sài Gòn bình thường đã hối hả nhộn nhịp, những ngày cuối năm càng hối hả nhộn nhịp hơn. Người người chuẩn bị đón một cái tết vui tươi đầm ấm, một cái tết đoàn tụ xum vầy nên có nhiều việc để lo, để bận rộn. Ở Sài Gòn, dân tứ xứ hội tụ về đây làm ăn, công tác, học hành nên người nào có quê xa thì lo mua vé tàu vé xe, mua sắm đủ thứ để mang xách về quê, một chút quà nhưng cũng nở mày nở mặt với bà con lối xóm, rằng mình là dân đi làm ở Sài Gòn về. Ai không đủ tiền về quê thì gửi chút ít về cho cha mẹ, vợ con chi dụng trong ba ngày tết. Việt kiều ở nước ngoài cũng rộn rịp những chuyến hồi hương, mỗi năm ngày càng thêm đông. Những năm gần đây, khách nước ngoài, những người anh em thân thiết đang làm việc tại Sài Gòn hoặc biết chút ít về Việt Nam đã chọn Việt Nam là điểm đến trong những ngày tết, thành thử tết ta mà Tây cũng góp phần chộn rộn thật đông vui.

Người Việt Nam trong đó có người Sài Gòn, luôn vọng tưởng đến quê hương nên ngày tết thiết kế cảnh đồng quê ruộng lúa, rẫy bắp, ao sen, vó cá, cầu tre lắc lẻo... ngay trên những đường phố chính của trung tâm thành phố. Người trong thành phố du xuân, ngắm cảnh cho đỡ nhớ quê. Trẻ con thành phố không biết cảnh quê nội quê ngoại ra sao thì nhìn ngắm cho biết để thấm vào da thịt cảnh làng quê bát ngát của cha ông mình. Người nước ngoài chiêm ngưỡng mô hình đồng quê Việt Nam để biết thế nào là cảnh quan của những làng quê tươi đẹp đã một thời bị dìm nát dưới đạn bom khói lửa của chiến tranh. Vậy đó! Người Việt Nam có truyền thống yêu quê hương đất nước đến lạ lùng, yêu gia đình làng xóm sâu sắc máu thịt mà không phải dân tộc nào trên thế giới cũng có được.

Tết là những ngày trở về với cội nguồn, đó là khoảng thời gian dành cho việc thăm viếng người thân, hiếu hỉ với làng xóm bạn bè, là những ngày nhiều hy vọng ước mơ mọi điều tốt đẹp đến cho bản thân, gia đình mình. Những vui buồn, hờn giận trong năm cũ đều hỉ xả, mọi người được nghỉ ngơi, ăn uống thả giàn, vui chơi giải trí thả cửa, vì vậy, những ngày này ai cũng lo sửa sang mọi nơi mọi chỗ cho tươm tất sạch đẹp, cho có ý nghĩa ngày xuân. Đối với ông bà, tổ tiên đã khuất, những nơi trang nghiêm như đền đài, lăng tẩm, miếu mạo thờ cúng các bậc thánh thần cho đến các bậc chí sĩ, liệt sĩ có công giúp dân giúp nước đều được sơn phết trùng tu hàng năm vào dịp lễ tết. Từ giữa tháng chạp, tục lệ đi tảo mộ ông bà vẫn giữ vững, nhang đèn, đồ hàng mã, hoa quả bánh trái được cúng kiến với cả lòng thành, cầu xin người khuất mày khuất mặt độ trì cho con cháu được bình an, làm ăn phát đạt.

Người ta đổ xô vào siêu thị, chợ, các cửa hàng mua sắm, hoa quả nhang đèn để chưng và cúng, thực phẩm, quần áo, giày dép, nữ trang, mỹ phẩm, đồ xa xí phẩm… được mua với số luợng gấp năm mười lần ngày thường. Ở các công viên từ ngày 23 đưa ông táo đến trưa 30 Tết, đội ngũ bán hoa mới tan hàng. Nhìn ngắm, lựa chọn, mặc cả rồi cuối cùng người nào cũng mang một vài chậu hoa về nhà. Người miền Nam nhất định phải có cây mai đứng trong nhà với hy vọng hoa sẽ mang lại nhiều may mắn trong năm mới, còn người Bắc thì chuộng hoa đào, tết mà không có mai, đào coi như không có mùa xuân.

Trái thì phải chưng đúng 5 loại quả để tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên và cũng để nói lên sự ước mong cho năm mới: cầu (mãng cầu), dừa (trái dừa), đủ (đu đủ), xoài (trái xoài), “cầu vừa đủ xài”, nghe khiêm tốn quá nhưng thật ra ai cũng muốn dư ăn dư để, muốn giàu có để thực hiện nhiều ước mơ lớn lao hơn. Các bà nội trợ ra tay chuẩn bị thức ăn cho ngày tết. Người Nam bộ có các món cơ bản: thịt kho tàu, khổ qua hầm với cá thác lác, bánh tét dưa giá củ kiệu, bánh phồng bánh tráng, gà xé phay, vịt tiềm… Người Bắc thì chả lụa, giò hầm măng, gà luộc xôi đậu xanh…

Những món ăn ngon thì các bà phải chuẩn bị trước tết cả tuần lễ để rồi chiều 30 Tết, các bà dọn lên bàn thờ cúng rước ông bà. Đến gần 12 giờ đêm 30, mọi người đem chiếc bàn con ra giữa sân, bày hoa trái nhang đèn, bài vị ra cúng thổ địa, thần tài và các vị khuất mày khuất mặt nơi đất ở, cầu xin các ngài cho nơi ăn chốn ở được bình yên, làm ăn phát lộc phát tài. Người đi chùa đêm giao thừa rất đông, người ta tin rằng thời điểm giao thoa giữa năm mới và năm cũ, giữa đêm và ngày là thời điểm khí âm dương hòa trộn vào nhau rất linh hiển và vững tin là năm mới sẽ có nhiều điều tốt đẹp. Đi chùa rồi chen nhau hái lộc, người nào cũng cố hái cho được những cành lá xanh tươi hoặc lấy được một vài trái cây cúng chùa mang về cho thơm nhà.

Đêm 30, đêm cuối cùng của một năm, người lớn tuổi thường không ngủ để chờ sáng sớm hôm sau thức dậy định hướng xuất hành vì họ tin rằng xuất hành đúng hướng, đúng giờ sẽ mang lại nhiều may mắn cho năm mới. Người trẻ say sưa giấc ngủ muộn, không phải quan tâm lo lắng vì chuyện trễ giờ đi làm, cả thành phố chìm trong giấc ngủ muộn, xe cộ đây đó lác đác một vài chiếc của những người về quê muộn hoặc về cha mẹ ở ngoại ô xa.

“Chiều cuối năm… bên hiên nhà em… một bông hoa trắng ngần… Hoa cúc trắng… Kìa! Hoa cúc trắng…!”. (*). Chiều cuối năm, trong không khí rộn rịp hối hả của người Sài thành vẫn có người ngồi trầm tư bên hiên nhà, nhìn những đóa hoa lặng lẽ nở, ngậm ngùi thương tiếc những người thân đã mất vì chiến tranh, vì bệnh tật, tuổi già hoặc thương nhớ những người thân ở nơi phương trời xa thẳm mà ngày cuối năm không về đoàn tụ được với gia đình.


(*) Lời bài hát Hoa cúc trắng của NS Trần Long Ẩn.

Kim Quyên

Tin cùng chuyên mục