* Sẽ có xe bí mật kiểm tra các cây xăng
(SGGPO).- Chiều 23-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về dự án Luật Đo lường. Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cách thức thể hiện dự án Luật vẫn còn quá “bác học”, khó hiểu. Mặc dù có nhắc đến khái niệm “các đơn vị đo lường cổ truyền”, nhưng dự thảo luật không đưa các đơn vị này vào phạm vi điều chỉnh. Đây là điều khiến Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu và một số thành viên khác trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn, bởi lẽ các đơn vị này đang được sử dụng khá phổ biến trong đời sống.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói: “Tôi e là nội dung dự thảo như thế này chưa đáp ứng được mong đợi của công chúng, đơn cử như việc xử lý triệt để tình trạng gian lận trong lĩnh vực mua bán xăng dầu, mua bán vàng…”.
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, những vi phạm về đo lường không chỉ gây thiệt hại kinh tế, mà trong nhiều trường hợp (như khi đóng gói thực phẩm, dược phẩm) còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, do đó cần chú trọng các quy định về công tác thanh, kiểm tra. Người dân cần được tạo điều kiện để tự mình giám sát, phát hiện kịp thời những vi phạm trong lĩnh vực này. Các chế tài cũng cần tăng nặng hơn, thậm chí cần có thêm hình phạt bổ sung để mang tính răn đe, ngăn ngừa vi phạm.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc KSor Phước nêu câu hỏi: “Khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực này thì xử lý ra sao? Nười dân phải khiếu nại đến cơ quan nào, khi mà tình trạng tranh chấp trong lĩnh vực này khá phổ biến”?
Vai trò quản lý nhà nước về đo lường của Bộ Khoa học - Công nghệ cũng là một vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Theo đó, trong một số lĩnh vực đặc thù, nhất là Quốc phòng, An ninh (do có tính bảo mật cao, liên quan đến an ninh quốc gia), đề nghị giao cho Bộ chuyên ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ quy định việc thực hiện quản lý nhà nước về đo lường trong các hoạt động đặc thù.
Giải thích thêm với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Bộ Khoa học – Công nghệ, Tổ trưởng Tổ soạn thảo dự án Luật cho biết, dự thảo không quy định cụ thể về các đơn vị đo lường truyền thống xuất phát từ quan điểm khuyến khích áp dụng hệ thống đo lường theo chuẩn quốc tế (SI), hạn chế dần việc sử dụng các các đơn vị đo lường cổ truyền không mang tính thống nhất cao...
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng sau đó cũng đã phát biểu, tiếp thu nhiều nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý. Ông Phan Xuân Dũng cho biết sẽ gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội và tiếp tục tổ chức hai hội thảo lớn để hoàn thiện dự luật trước khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 2…
Phát biểu kết luận nội dung của toàn phiên họp thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt lưu ý đến khối lượng công việc rất lớn của kỳ họp Quốc hội thứ hai dự kiến khai mạc ngày 20-10 tới. Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng pháp luật của kỳ họp, Chủ tịch đề nghị Chính phủ sớm tổ chức một phiên họp chuyên đề để thống nhất ý kiến hoàn thiện các dự thảo luật, pháp lệnh trước khi trình ra Quốc hội theo đúng trình tự thủ tục pháp luật.
Cuối buổi chiều, ngay trước khi bế mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp riêng để thảo luận về việc bảo đảm cơ sở vật chất, hậu cần, thông tin tuyên truyền phục vụ hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội chuyên trách.
|
ANH PHƯƠNG